Image default
Huế 24h Lịch sử Huế

Công cuộc xây dựng kinh đô Huế dưới triều Nguyễn

Booking.com

Sau khi đánh bại vương triều Tây Sơn, tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh chọn Phú Xuân làm kinh đô, lập đàn tế trời đất rồi thiết triều để lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long. Năm 1804, vua Gia Long đổi quốc hiệu là Việt Nam.

Tháng 4 năm Ất Sửu (1805), triều Nguyễn khởi công xây dựng Kinh thành. Hơn 3 vạn lính và dân phu từ Quảng Bình đến Quy Nhơn đã được huy động đến Huế thi công. Ðến năm 1807 thêm 80.000 binh lính ở Thanh Nghệ và Bắc Thành được đưa vào tăng cường lao dịch ngày đêm. Ban đầu thành đắp bằng đất, gỗ ván bọc mặt ngoài. Năm Gia Long 17 (1818) mới cho xây gạch 2 mặt Tây và Nam. Hai mặt Đông và Bắc xây gạch năm 1822. Ðến năm 1832, đời Minh Mạng, việc thi công mới hoàn tất và sau đó còn được tu bổ nhiều lần.

Công cuộc xây dựng kinh đô Huế dưới triều Nguyễn 151

Địa điểm tọa lạc của Kinh thành Huế nguyên đã được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ xứ Đàng Trong từ năm 1687 đến 1775, rồi sau đó nhà Tây Sơn dùng làm kinh đô của cả nước từ 1788 đến 1801. Vua gia Long chọn lại địa điểm này để xây dựng Kinh thành với quy mô to lớn hơn, nằm trên đất của 8 làng: Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, Thế Lại, An Vân, An Hòa, An Bửu và An Mỹ.

Kinh thành được xây dựng theo kiểu Vauban, có hình gần như vuông, diện tích 520ha, chu vi trên 10.500m. Hệ thống thành quách (gồm Kinh thành (thành ngoài), Hoàng thành và Tử cấm thành (thành trong) đều nằm trên một trục, quay mặt về hướng Nam – Đông Nam, được xây dựa vào địa thế của núi Ngự, sông Hương. Trục chính của hệ thống này chạy qua giữa đỉnh núi Ngự Bình.

Hoàng thành là trung tâm sinh hoạt chính trị và hành chính quan trọng nhất của triều đình, được xây dựng vào năm 1804 và được nâng cấp, hoàn chỉnh vào năm 1833. Hoàng thành có diện tích 36ha, có hình gần như vuông, mỗi cạnh khoảng 600m. Trong Hoàng thành có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp chia làm nhiều khu vực khác nhau, giữ các chức năng riêng.

Tử cấm thành nằm trong lòng Hoàng thành là khu vực sinh hoạt của vua và hoàng gia. Tử cấm thành có hình gần như vuông với chu vi 1.200m. Trong Tử cấm thành có hơn 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, bao gồm nhiều cung điện huy hoàng tráng lệ, lộng lẫy vàng son.

Kinh thành Huế có giá trị lớn về mặt phòng thủ. Chung quanh thân thành có 24 pháo đài, cùng một thành phụ là Trấn Bình đài (Mang cá nhỏ). Tất cả các công trình đó cùng với vòng đai Hộ Thành hà bảo vệ bên ngoài đã tạo nên một hệ thống bố phòng vững chắc.

Kiến trúc kinh thành Huế là sự kết hợp chặt chẽ đầy trí tuệ giữa kiến trúc và thiên nhiên. Đây là tri thức và tài nghệ của dân tộc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế – Phần Lịch sử

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội – năm 2005)

tiếc gì 1 click để cho sao nếu thấy hay

Related posts

Người dân ‘vỗ tay rào rào’ đồng thuận di dời để tôn tạo kinh thành Huế

Mr Hòa

Phố đêm Hoàng thành Huế: “Nói không” với bia rượu

Mr Hòa

Mất 2,2 tỷ đồng sau cuộc điện thoại

Mr Hòa

Leave a Comment