Image default
Huế 24h Văn hóa & Lễ hội

Dấu ấn văn hóa Pháp trên đất Huế

Booking.com

Đối với nhiều thế hệ người dân Huế, văn hóa Pháp có những ảnh hưởng không nhỏ với những dấu ấn vẫn hiện hữu.

Từ dấu ấn xưa…

Trong ký ức của Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Thân Trọng Ninh, một giáo viên giảng dạy tiếng Pháp nay đã ngoài 90 tuổi, đất nước và con người Pháp trở nên vô cùng quen thuộc. Ông chia sẻ: “Tôi may mắn được học và tiếp xúc với văn hóa Pháp ngay từ khi mới lên 6 tuổi. Lúc bấy giờ, thế hệ thanh niên như chúng tôi được tiếp xúc rất sớm và chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ văn hóa Pháp. Riêng những ai đã từng là học sinh Trường Khải Định, giai đoạn 1937-1945, nay là Trường Quốc Học Huế sẽ không thể nào quên những buổi cùng nhau đọc các ấn phẩm văn hóa Pháp. Nó mở ra cánh cửa mới và rộng lớn, giúp chúng tôi tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây đầy mới lạ. Có thể nói, cùng với văn hóa Huế nói riêng và văn hóa Việt nói chung, dòng chảy văn hóa Pháp đã ngấm sâu trong con người tôi”. Là một cựu giáo viên tiếng Pháp, NGƯT Thân Trọng Ninh có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu, mở rộng quan hệ với nhiều người bạn Pháp, góp phần tăng cường hợp tác phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Một công trình kiến trúc kiểu Pháp ở đường Lê Lợi

Không riêng thầy Thân Trọng Ninh, văn hóa Pháp đã gắn bó và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của nhiều thế hệ người dân Huế. Rất nhiều kiến trúc sư người Pháp đã mang trường phái kiến trúc phương Tây vừa cổ điển vừa tân thời du nhập đến Huế, tạo thành một quần thể kiến trúc đồ sộ. Theo một tài liệu từ Viện Khoa học- công nghệ xây dựng, sự du nhập của kiến trúc Pháp vào Huế diễn ra theo ba giai đoạn (trước 1900, 1900 – 1920, 1920 – 1945) với năm phong cách kiến trúc. Phong cách thuộc địa tiền kỳ với những kiến trúc thô sơ, đó là các trại lính, nhà thương, điển hình là khu nhà cổ của Bệnh viện Trung ương Huế còn đến bây giờ. Phong cách tân cổ điển với bố cục đối xứng, nhấn mạnh khu sảnh chính như: ga Huế, Khải Tường lâu (cung An Định)… Tiếp đó là phong cách kiến trúc địa phương Pháp, mô phỏng kiểu kiến trúc ở các vùng nước Pháp có sự biến tấu cho phù hợp điều kiện tự nhiên ở Huế như biệt thự 16-18 Lý Thường Kiệt (đã bị phá bỏ), nhà nghệ thuật Điềm Phùng Thị bây giờ. Sau một thời gian lại xuất hiện một phong cách kiến trúc mới kết hợp giữa hai nền kiến trúc Âu – Á, hình thành nên phong cách kiến trúc Đông Dương, với đặc trưng là hệ mái dốc lợp ngói liệt hoa văn trang trí mô phỏng các cung điện, đền đài. Cho đến nay, phong cách kiến trúc này vẫn còn khá nhiều ở các công sở, dinh thự đẹp như: trụ sở UBND TP Huế, Trường Quốc Học và Hai Bà Trưng, Văn phòng Đại học Huế… Cuối cùng là phong cách tân thời với hình khối chắc khỏe, chú trọng công năng sử dụng hơn như Trường đại học Khoa học Huế bây giờ… Những công trình kiến trúc Pháp tồn tại hôm nay trên đất Huế không chỉ có giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc, mà còn là một kho tư liệu sinh động về kỹ thuật xây dựng đặc sắc của Pháp. Giá trị của các công trình đã mang lại sự đa dạng cho văn hóa Huế, một sự hài hòa giữa phương Tây và phương Đông, giữa cổ xưa và hiện đại.

Cách tiếp cận mới

Thời gian gần đây, Huế không ngừng chủ động duy trì, mở rộng quan hệ hợp tác phát triển kinh tế xã hội với nhiều vùng miền thuộc Cộng hòa Pháp như Hội đồng Vùng Nord-Pas de Calais, vùng Poitou-Charentes, Bretagne và các thành phố như Rennes, cộng đồng đô thị Lille, thành phố Blois. Từ năm 2000 đến nay, Pháp vẫn là đối tác đặc biệt và truyền thống qua các kỳ Festival Huế.

Là cựu sinh viên tiếng Pháp, Trường đại học Khoa học Huế, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm dịch thuật, Sở Ngoại vụ, anh Lê Bá Khánh cho biết, văn hóa Pháp nói chung đã lan tỏa đến đời sống sinh hoạt của người dân Huế. Theo anh Khánh, Cố đô Huế đã hảnh diện, tự hào với những công trình kiến trúc đẹp, đồ sộ bên bờ sông Hương thơ mộng; ngày càng xuất hiện nhiều quán ăn, món ăn nổi tiếng của người Pháp như bánh mì Pháp, bò bittet… đến các cửa hàng kinh doanh, nhà nghỉ, khách sạn mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp tại Huế.

“Hiện nay, giới trẻ tiếp xúc với tiếng Pháp rất đông. Ngoài các trường tiểu học, THCS trên địa bàn T.P Huế như Lê Lợi, Vĩnh Ninh, Thống Nhất, Nguyễn Tri Phương…, tiếng Pháp là ngôn ngữ bắt buộc thứ hai sau tiếng Anh tại các trường THPT, THCS ở một số huyện, thị xã, thành phố.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ Pháp cũng đã thu hút nhiều sinh viên tham gia tại nhiều trung tâm, câu lạc bộ. Trong số đó, có người tham gia vì yêu thích và tò mò về văn hóa Pháp. Chính vì thế, văn hóa Pháp đã góp phần ảnh hưởng đến cách sống, cách suy nghĩ của nhiều người”- Lê Bá Khánh khẳng định.

Theo chia sẻ của nhiều sinh viên học tiếng Pháp, Trường đại học Ngoại ngữ, ngoài việc học ở trường, để hiểu thêm về bộ môn mình đang học, họ cũng đã chủ động xin làm phiên dịch cho những tour du lịch có khách Pháp hoặc làm tại quán ăn của người Pháp. Ngoài ra, những tiểu thuyết văn học, những bộ phim kinh điển, công trình hội họa… của Pháp luôn là kho tư liệu quý để các bạn tiếp cận gần hơn và hiểu hơn về nước Pháp, qua đó áp dụng có chọn lọc những tinh hoa vào thực tiễn.

Có thể nhận thấy, việc tiếp cận và đan xen văn hóa Việt – Pháp đang tạo nên một lối sống đẹp trong nhiều người dân Huế, nhất là những ai yêu thích văn hóa Pháp. Và nhìn rộng ra, trong toàn bộ di sản văn hóa của người Huế, người Pháp để lại những dấu ấn văn hóa quý giá mà chúng ta cần bảo tồn bởi suy cho cùng, đó là một bộ phận hợp thành trong di sản văn hóa của nhân loại.

Theo Minh Văn

Nguồn: Baothuathienhue.vn

tiếc gì 1 click để cho sao nếu thấy hay

Related posts

Sau va chạm giao thông, nam thanh niên nhảy xuống sông

Mr Hòa

Ghen tuông, chồng dùng tay bóp cổ vợ đến chết

Mr Hòa

Thừa Thiên Huế: Bố làm đơn trình báo mất trộm, con trai bị bắt giữ

Mr Hòa

Leave a Comment