Image default
Huế trong tôi Viết về Huế

Đến sông Hương nghe chuyện hến được phong thần

Booking.com

Đi theo câu thơ của Hàn Mặc Tử, tôi tới Vĩ Dạ thôn. Thôn Vĩ Dạ xưa giờ đã lên phố, chẳng còn thấy đâu “lá trúc che ngang mặt chữ điền” nữa. Nhưng một sự tình cờ, tôi biết tới cồn Hến, một cù lao thuộc phường Vĩ Dạ như một nét trầm xao xuyến và rất Huế.

Còn đâu cồn Hến?

Cồn Hến chỉ bao gồm bốn xóm nhỏ im ắng và trầm mặc. Qua cồn, ăn một tô bún hến, cơm hến, nghe giọng nói như rót mật của con gái Huế tựa như vẻ đẹp sâu lắng của ngàn năm. Sáng sớm, cồn Hến nhạt nhòa sương trắng. Con đường nhỏ như một nỗi nhớ chia đôi làng, hai bên những hàng dâm bụt xanh ngắt, tĩnh mịch. Có người bảo con đường nhỏ bé ấy là tâm niệm về một sự trăn trở cội nguồn, con đường đưa cồn trở về với dòng Hương, con sông bồi đắp lên nó.

Gọi là cồn bởi đây là bãi đất phù sa rộng nổi lên giữa sông Hương. Trong Dịch Lý của kiến trúc kinh thành Huế xa xưa, nơi này được đặt tên là Tả Thanh Long. Còn người dân chỉ quen gọi nôm na là cồn Hến. Dòng sông Hương chảy qua nơi này nước trong vắt, ít phù sa và chất phèn. Đáy sông lại có một lớp bùn sâu tích tụ nên rất thích hợp cho loài hến sinh sôi, nảy nở. Có lẽ nhờ vậy mà hến ở cồn Hến nổi tiếng ngon nhất xứ Huế.

Cồn Hến được đặt tên chính thức vào đầu niên hiệu Gia Long (1802-1820). Cồn có diện tích hơn 30 ha, nằm về phía trái kinh thành Huế, là một ốc đảo nổi lên giữa sông. Hai bên là dòng phì nhiêu phù sa, thuận lợi cho tôm cá sinh sôi nảy nở. Ban đêm, dân địa phương thường soi đèn đốt đuốc đi đơm cá, cất tôm nên nơi này còn có tên khác là cồn Soi.

Người dân cồn Hến chuyên sống bằng nghề cào hến, xúc hến, đãi hến và chế biến hến. Bởi thế làng Cồn có đình thờ Tổ Thần Hến, gọi là Giang Hến. Làng làm lễ tế thần Hến hàng năm từ ngày 24 đến 26/6 âm lịch. Qui định của làng là trong 2 ngày rằm và cuối tháng âm lịch không ai được đi cào hến.

Từ 1975 đến trước 1999 được xem là giai đoạn nghề hến thịnh nhất. Cồn Hến khi ấy có gần bốn chục chiếc thuyền ngày ngày xuôi dòng Hương làm ăn. Từ năm 2000 trở lại đây, người dân cồn Hến phải thu mua từ các nguồn bên ngoài, ở các địa phương xa hơn như làng Vĩnh Tu, làng Thuận Hòa (Huế) và nhiều nhất vẫn là từ Quảng Trị vào.

Đến sông Hương nghe chuyện hến được phong thần 151

Cồn Hến thơ mộng.

Hơn 10 năm trước, chỉ cần cho thuyền chạy thong dong một vòng trên sông Hương, trong chốc lát cũng đã chất đầy một thuyền. Người dân khi ấy mạnh ai nấy làm mà không phải giành giật nhau bởi hến nhiều vô kể. Trung bình mỗi chiếc đò máy cỡ vừa chở được 10 bao, cỡ ba tạ hến, sau khi luộc thu được 40-50kg hến xác. Giá mỗi kg ngày trước chỉ từ 10.000 đến 15.000 đồng, nay loại nhỏ nhất cũng lên đến 40.000-50.000 đồng/kg. Từ khi người dân chuyển sang đánh bắt bằng thuyền máy, năng suất cao gấp nhiều lần mò bằng tay và cào tre nên hến chưa kịp sinh sôi đã bị đánh bắt cạn kiệt. Người ta phải đến những khu vực xa hơn như đoạn ngã ba Sình, các sông suối hoặc quanh vùng đầm phá Tam Giang mới mong tìm được hến.

Làng cồn Hến bây giờ chỉ còn sót lại hai, ba người đàn ông vẫn kiên trì bám trụ với nghề, lâu lâu dong thuyền ra sông Hương cào bắt cho đỡ… nhớ. Còn phần đông các hộ đã bán đò chuyển sang làm nghề chế biến và nấu hến.

Đau đáu hến sông Hương

Ông Nguyễn Văn Gặp – Hội chủ phường Giang Hến, vị chủ tế lễ thần Hến hàng năm, nay đã gần 70 tuổi trầm ngâm: “Cả làng bây giờ chỉ còn chín lò sản xuất thủ công, vẫn thu mua và gom, luộc hến mỗi ngày. Con số này khiêm tốn quá chừng so với khoảng thời gian chục năm trước đó, khi về làng bước tới đâu cũng nghe lạo xạo tiếng vỏ hến dưới chân”.

Ông Trương Văn Bảy, một chủ lò nấu hến cho biết, mặc dù hến sông Hương cạn kiệt nhưng mỗi ngày lò của ông cũng nấu từ 3 đến 5 tạ, hến nhập từ tỉnh khác hoàn toàn nhưng chưa lúc nào ế hàng. Hến mua lúc nào cũng có, số lượng thì khỏi lo, cần hàng thì nhấc máy “a lô” chỉ sau 2 tiếng đồng hồ xe từ Quảng Trị chở vào đầy.

Ông Gặp kể: “Ngày trước hến trên sông Hương nhiều vô kể, một lần thả cào hến cả rổ. Hồi đó, người ta nấu hến với ít nước thôi, hến ăn rất ngon và đậm đà lắm. Bây giờ, nhờ du lịch, người làm hến bán được nhiều tiền hơn, nhưng để phục vụ khách hàng, cùng với việc hến sông Hương cạn kiệt, cách nấu hến và pha chế cũng không còn được như thế. Thay vì nấu ít nước, người ta phải đổ nhiều nước hơn để bán lấy lời”.

Lý giải cho việc hến sông Hương cạn kiệt, ông Gặp cho biết: “Trước đây bọn tôi cào thủ công nên chỉ lấy hến to, còn những con hến nhỏ đều lọt xuống cào. Nhờ vậy, hến có điều kiện sinh sản, còn sau này người ta cào hến theo công nghệ mới, lái ghe máy quét một vòng những khúc sông rồi chống sào, dùng cào làm bằng lưới nhỏ, cứ thế mà xúc hến không để sót con nào. Thế nên, hến càng ngày càng ít dẫn đến cạn kiệt”.

Bên cạnh đó, thượng nguồn sông Hương nguồn nước bị ô nhiễm, rồi nạn khai thác cát đã cướp mất môi trường sống của hến, những vòi rồng máy hút cát ngày đêm lộng hành đã tạo thành hồ sâu và hến rơi xuống đó chết hết. Thượng nguồn đã vậy, hạ nguồn cũng chẳng khác gì, nhất là từ khi đập Thảo Long đưa vào sử dụng ngăn nguồn nước mặn khiến cho con hến mất môi trường sinh sống. Bởi hến sống trong môi trường nước lợ nhưng nay không còn, do đó đã suy kiệt nhanh chóng.

Chúng tôi băn khoăn, rồi tự đưa ra một giả sử tương lai nếu chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế ngưng hẳn được việc khai thác cát sạn trái phép trên lòng sông Hương, trả lại môi sinh cho loài hến thì liệu người dân nơi đây có quay lại với nghề này, ông Gặp nhìn xa xăm ra bờ sông: “Hến là trời sinh. Tui nghĩ chờ cho hến sinh sôi lại cũng mất 5-10 năm nữa, mà thế hệ cha ông chúng tôi ngày xưa làm nghề này chừ cũng chết hết rồi, bọn trẻ cũng kiếm nghề khác thu nhập cao hơn chứ chẳng ai nghĩ tới việc đi cào hến cho cực thân mô…”.

Nói đoạn, ông Gặp lại thẫn thờ nhìn ra bờ sông rồi tiếp: “Thực ra, cào hến chỉ là một nghề mưu sinh, nếu đánh bắt có chừng mực thì không hẳn gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan thành phố như một số người nói”.

Dẫn tôi ra bến sông, ông Gặp tha thiết: “Bây chừ người làng vẫn sống khỏe với nghề nấu hến và mở các hàng quán từ hến. Chỉ có điều hến sông Hương thì nỏ biết khi mô mới hồi sinh… Rồi ông nhìn ra xa như tiếc nuối vô cùng một điều gì đó quý giá lắm đã không còn nữa…”.

Cồn Hến thơ mộng, cơm hến xứ Huế với vị cay tê đầu lưỡi đã trở thành nỗi nhớ của người xa Huế. Người già kể rằng, hến Cồn ngày xưa thường được tiến vua và rất được nhà vua ưa chuộng. Ngày nay, cơm hến có mặt ở khắp nơi, nhưng chỉ có cồn Hến là lưu giữ được bản sắc của món đặc sản này. Vậy nên ăn cơm hến, không nơi nào ngon bằng cồn Hến.

Những mai này, có khi cái tên cồn Hến chỉ còn là ký ức khi sông Hương không còn hến. Ngày ấy, trong làng có những gia đình ba đời làm hến như ông Vọng, chú Cường, chú Hương… Cuộc sống tất bật quanh năm nhưng no ấm, sung túc. Trẻ con sinh ra vừa mở mắt đã thấy bóng mẹ cha lui cui bên lò luộc hến, ngửi mùi hến, nghe tiếng vỏ hến vỡ rào rạo bên tai.

Bây giờ, khách phương xa dù đến cồn Hến chỉ để thưởng thức những món ăn từ hến nhưng chẳng mấy ai không xao lòng khi biết rằng hến sông Hương giờ chỉ còn trong hoài niệm thương nhớ. Ông Trương Văn Kinh, 63 tuổi cho rằng, hến từ các nơi đổ về thì nhiều nhưng chỉ có hến sông Hương mới có vị đậm, vị ngọt riêng có. Thế nên, cha con ông thỉnh thoảng buồn buồn lại đi cào hến, dù chẳng được là bao nhưng cũng được những tô cháo ngọt lịm, mát lành và đĩa hến xào từ dòng Hương giang, như cái nghiệp con hến, những buồn vui, sướng khổ đã vận vào họ sâu lắng từ bao đời.               

Theo Uyên Na

Nguồn: nguoiduatin.vn

tiếc gì 1 click để cho sao nếu thấy hay

Related posts

Nghĩa trang thái giám độc nhất vô nhị ở Huế

Mr Hòa

Quay ngược về quá khứ ngắm di sản thành phố Huế

Mr Hòa

Tai nạn xe khách đèo Hải Vân: Thế mạng là có thật hay lại là ngày Tam Nương?

Mr Hòa

Leave a Comment