Image default
Huế 24h Tin tức Huế

Đô thị Huế mở rộng, cân bằng cả bốn hướng

Booking.com
Thành phố Huế vừa mở rộng địa giới hành chính bắt đầu từ ngày 1.7.2021. Diện tích từ hơn 70 km2 đã mở rộng ra gần 266 km2, lấy sông Hương làm trục chính, trải dài từ đồi núi phía tây về biển Thuận An. Đô thị Huế đang mở ra hướng phát triển mới: từ hướng Bắc – Nam của kinh đô lịch sử, chuyển sang hướng Đông – Tây của thành phố hiện đại.

Để có thêm một góc nhìn văn hoá về phát triển đô thị, chúng tôi có cuộc chuyện trò với nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng – phòng Nghiên cứu khoa học của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế.

Đô thị Huế mở rộng, cân bằng cả bốn hướngNhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng

Là một người sinh ra lớn lên ở Huế, có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử văn hoá, ông có thể cho biết Huế được hình thành như thế nào trong nhận thức con người, về lịch sử, về hành chính?

Trong nhận thức chung của con người: Huế có hơn 700 năm lịch sử, là phần cốt tuỷ trong sính lễ của Quốc vương Chế Mân cầu hôn công chúa Huyền Trân của Đại Việt từ năm 1306 là “hai châu Ô Rí vuông ngàn dặm”, địa giới trải dài từ bờ Bắc sông Hiếu ở Quảng Trị cho đến bờ Nam của sông Thu Bồn của Quảng Nam.

Còn về địa giới hành chính của thành phố Huế được hình thành trong lịch sử thì khiêm tốn hơn về không gian và thời gian:

Ngày 12.7.1889 thời Thành Thái, vua ban dụ thành lập Thị xã Huế bao gồm Kinh thành Huế và phụ cận, cùng dải đất dọc theo bờ Nam sông Hương từ cầu Ga về Đập Đá. 20 năm tiếp theo đó có 3 lần mở thêm phía Nam: 22.6.1903 (thời Thành Thái), 9.5.1908 (thời Duy Tân), 21.11.1921 (thời Khải Định). Lúc đầu thành lập có 9 phường: từ Đệ nhất phường đến Đệ cửu phường, thuộc 3 quận: quận Thành Nội, quận Hữu Ngạn và quận Tả ngạn.

Ngày 12.9.1929: Toàn quyền Đông Dương công nhận Huế là đô thị loại 3.

Năm 1934, vua Bảo Đại ban tên chữ cho các phường, bắt đầu bằng chữ Phú: Phú Hoà, Phú Cát, Phú Hậu, Phú Bình, Phú Thạnh, Phú Thuận, Phú Thọ, Phú Mỹ…

Khi tôi lớn lên thì đổi quận Thành Nội, quận Hữu Ngạn, quận Tả Ngạn là Quận nhất, Quận nhì, Quận ba. Quận nhất là quận Thành Nội cũ, gồm ba phường là Thái Trạch, Trung Tích, Trung Hậu. Khai sinh của tôi là ở phường Thái Trạch, quận nhất.

Cho nên, vẫn có một sự khác biệt rất lớn giữa “Huế” trong tiềm thức con người và “Huế” trong địa giới hành chính từ bao đời nay.

Đô thị Huế mở rộng, cân bằng cả bốn hướngSơ đồ Kinh đô Huế sau năm 1805 – khi đã xây dựng Kinh thành. Ảnh tư liệu


Với một địa giới hành chính như ông đã trình bày, có vẻ như chưa bao quát hết những địa danh lịch sử của Huế. Ông nghĩ như thế nào về điều đó?

Đúng là khái niệm “Huế” trong lịch sử không gói gọn trong một ranh giới cụ thể nào từ xưa đến nay. Trong tâm thức con người, “Huế” không chỉ là một thị xã hay một thành phố nằm trong một địa giới hành chính nào đó. “Huế” trong lòng người là một vùng văn hoá bao hàm tất cả di tích di vật thuộc về ngày xưa, thuộc về triều Nguyễn, không thể tách rời với sông Hương, núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, biển Thuận An, phá Tam Giang, biển Lăng Cô, núi Bạch Mã…

Đó là Huế, là kinh đô, là đất Thần Kinh, là Thuận Hoá, là Phú Xuân…

Khái niệm “Huế” đã vượt ra ngoài không gian thời gian quy ước. Ở đâu con người sống theo kiểu Huế, ăn uống theo ẩm thực Huế, thờ cúng lễ lược theo nghi thức xứ Huế, quan hôn tang tế theo kiểu cầu kỳ mà tinh tế của Huế, rồi ăn vận trang sức mang phong cách hào hoa phong nhã của xứ Huế… thì được xem là Huế.

Không phải bây giờ, từ ngày xưa đã vậy. Khi vua Thiệu Trị chọn 20 thắng cảnh cho đất Thần Kinh thì có sông Hương qua bài thơ “Hương giang hiểu phiếm”, có núi Ngự Bình bằng bài thơ Bình lãnh đăng cao, có đầm Hà Trung bằng bài thơ Hải Nhi quan ngư, có suối nước nóng ở Tả Trạch bằng bài Tây lãnh thang hoàng, có cả dòng Hữu Trạch qua bài thơ săn nai đầu nguồn Trạch nguyên tao lộc, có rừng Thần Phù qua bài thơ Đông lâm dực điểu, có núi Tuý Vân bằng bài thơ Vân Sơn thắng tích… Khái niệm “Huế” trong lòng người bao đời nay gần gũi với “hai châu Ô Rí vuông ngàn dặm” hơn là địa giới hành chính của người đời sau định ra trên bản đồ cho xứ sở này.

Và đặc biệt, cùng với sự trầm tích, bồi lắng và giao thoa của nhiều nền văn hoá đỉnh cao, đặc biệt là Nho, Phật, Lão qua hơn 700 năm, mà trong đó hơn 400 năm là thủ phủ các chúa Nguyễn, kinh đô Tây Sơn, rồi kinh đô của cả nước thống nhất dưới triều Nguyễn; cùng với sự tích luỹ sự huân tập văn hoá lâu đời, con người Huế lại có những tính cách rất đặc thù mà người đời vẫn gọi là “tính cách Huế”.

Vì vậy, khái niệm “Huế” đã vượt ra ngoài không gian thời gian quy ước. Ở đâu con người sống theo kiểu Huế, ăn uống theo ẩm thực Huế, thờ cúng lễ lược theo nghi thức xứ Huế, quan hôn tang tế theo kiểu cầu kỳ mà tinh tế của Huế, rồi ăn vận trang sức mang phong cách hào hoa phong nhã của xứ Huế… thì được xem là Huế.

Thưa ông, kinh đô Huế dưới triều Nguyễn được xây dựng theo trục Bắc – Nam. Từ những quan niệm như thế nào mà kinh đô được phát triển theo hướng này, ông có thể lý giải rõ ràng hơn không?

Đúng là trong ý đồ của người xưa, kinh đô Huế được kiến tạo theo trục Bắc – Nam. Nhưng thực ra đó chỉ là một trục mang tính nghi thức. Theo quan niệm của người xưa, bậc thánh đế minh vương luôn quay mặt về phương Nam để cai trị thiên hạ, gọi là “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (thánh nhân hướng mặt về phía nam để lắng nghe thiên hạ). Hướng Nam thuộc quẻ ly, hành hoả, tượng trưng cho mặt trời. Hoàng đế phải hướng về sự quang minh để điều hành đất nước, nên luôn quay mặt về đó!

Hoàng đế phải dùng đức để cai trị, được ví như sao Bắc đẩu, vị trí ở phương Bắc, các vì sao khác tự khắc chầu về (ý câu ở sách Luận Ngữ: Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi). Vì vậy, hoàng đế quay mặt về phương Nam, thần dân quay về Bắc để chầu hầu, gọi là “Nam diện chi vương, Bắc diện chi thần” là vậy. Ví như, mỗi lần nhận chiếu chỉ sắc phong hay nhận một hình thức ân huệ nào đó của Hoàng đế thì dù ở bất cứ nơi đâu, người nhận ân đức đều phải quay mặt về phương Bắc hành lễ tạ ơn Hoàng đế.Đô thị Huế mở rộng, cân bằng cả bốn hướngQuần thể di tích kinh thành Huế nằm dọc bên bờ sông Hương. Công trình đồ sộ này rộng 520 ha. Năm 1993 di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Nguồn: Zing


Kinh đô Huế cũng được thiết kế theo nghi thức như vậy: ba vòng thành lồng vào nhau theo trục Bắc – Nam, thứ tự từ trong ra là Tử Cấm Thành, Hoàng Thành và Kinh Sư Thành, có núi Ngự Bình làm tiền án, sông Hương làm minh đường, hai hòn đảo Cồn Hến và Dã Viên tạo thế Tả thanh long, Hữu bạch hổ; từ vị trí điều hành trung tâm là điện Thái Hoà, Hoàng đế ngự trị ở đó nhìn ra phía Nam để xử lý triều chính.

Bắc – Nam là trục chính của kinh đô, nhưng thực ra trục này chỉ là trục nghi thức, mang tính điển chế, người xưa hầu như không đặt vấn đề phát triển theo hướng đó, thậm chí còn hạn chế sự phát triển theo hướng đó.

Phía Nam – mặt Nam của Kinh Thành, từ sông Hương cho đến núi Ngự Bình, chỉ có một công trình đàn tế mang tính lễ nghi là đàn Nam Giao, mỗi khi tế Trời mới dựng nhà xanh nhà vàng lên để hành lễ, còn không có một công trình nào xâm chiếm không gian ở hướng đó. Hướng Nam thuộc hành Hoả, chủ về tiền đồ, nên phải để thoáng đãng, sáng sủa, không được phép xâm phạm.

Hướng Bắc lại thuộc hành Thuỷ, nên ta thấy triều Nguyễn chỉ tập trung xây dựng các khu vườn ngự uyển, hồ ao, kênh rạch, ruộng vườn… Như từ sau điện Thái Hoà lần lượt đi về Bắc, có các thắng cảnh độc đáo như Ngự Viên, Hồ Nội Kim Thuỷ với thắng cảnh Cao Các Sinh Lương, rồi hồ Ngoại Kim Thuỷ, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, vườn Thư Quang, rồi danh thắng vườn Thường Mậu cho Hoàng đế cày ruộng Tịch Điền; rồi ra nữa là ruộng đồng bạt ngàn…

Yếu tố “Thuỷ” và vườn tược có vẻ rất được quan tâm trong phát triển ở hướng này, “vô thuỷ bất thành viên”, không có nước thì không thể thành “vườn”, hướng Bắc lại thuộc hành “Thuỷ” nên hướng Bắc của Kinh đô phát triển theo ý như vậy.Đô thị Huế mở rộng, cân bằng cả bốn hướngKhu đô thị theo mô hình châu Âu của TP Huế, ở bờ nam sông Hương năm 1930. Ảnh tư liệu


Nhưng đô thị Huế vừa mở rộng chủ yếu theo trục Đông – Tây. Về mặt văn hóa cũng như phong thủy có ổn không, thưa ông?

Thực ra, kinh đô Huế xưa lấy trục Bắc – Nam làm nghi thức như đã phân tích, nhưng không có sự phát triển theo hướng này, mà dùng trục Nam Bắc như một đòn xoay để cân đối hai phía phát triển Tây và Đông. Trong ý đồ của người xưa, nếu nhìn nhận trên những thực thể kiến trúc nguyên thuỷ vốn có, chúng ta có thể hiểu phần nào ý đồ phát triển của kinh đô Huế.

Phía Tây, theo Ngũ hành thuộc hành Kim, chủ về mùa thu, cần phải tĩnh, không nên động; tập trung núi đồi, rừng rậm, khe suối, thượng nguồn sông Hương. Nên phía Tây được tập trung các công trình thuộc về tâm linh như đền đài, miếu vũ, chùa chiền, lăng tẩm. Từ trong Kinh thành đi ra hướng Tây, có đàn Xã Tắc, Văn Miếu, Võ Miếu, Khải Thánh Từ, miếu Công Thần, điện Hòn Chén, Hổ Quyền, điện Voi Ré; những ngôi chùa lớn như Linh Mụ, Long Quang, Kim Sơn, Khánh Vân, Bảo Lâm, Từ Hiếu, Báo Quốc, Viên thông, Viên Giác.

Người xưa phát triển thành phố theo hai hướng Đông và Tây rõ ràng. Một hướng là nhu cầu tâm linh, một hướng là toàn bộ cơ quan hành chánh, là đời sống dân sinh.

Phía Tây còn là phía mặt trời lặn, nên tập trung tất cả lăng tẩm của Hoàng gia: từ lăng Đế hậu của các đời chúa Nguyễn cho đến Đế hậu của các đời vua Nguyễn, cùng lăng mộ hoàng tử công chúa phi tần mỹ nữ… Tất cả đều lấy sông Hương để kết nối về cả mặt vật thể, cả truyền thừa tâm linh. Tất nhiên, phát triển theo ý đồ như vậy là một cách bảo vệ sự trong lành của nguồn nước, vì những sinh hoạt tâm linh hạn chế mức thấp nhất sự ô nhiễm đầu nguồn con sông.

Hơn nữa, phát triển như thế sẽ hạn chế mức thấp nhất sự che chắn các phong cảnh rừng núi phía Tây. Điều thú vị là điều này lại gặp gỡ với quan niệm phong thuỷ của người Nhật từ bao đời nay: “Phát triển thành phố như thế nào đó để không bao giờ che khuất các rặng núi phía Tây!” (theo giáo sư Satoh – nhà phong thuỷ kiến trúc).Đô thị Huế mở rộng, cân bằng cả bốn hướngKhu vực Tả Vu, Hữu Vu và điện Thái Hòa nhìn từ trên cao. Ảnh: Zing


Phía Đông thuộc hành Mộc, chủ về mùa xuân, còn là hướng mặt trời mọc, chủ về sinh sôi nẩy nở, đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa kết quả, tượng trưng cho sự hưng thạnh, sự phát triển, cho nên tất cả công trình quan yếu nhất của triều đại đều nằm ở phía Đông, từ hành chính, dân sinh, cho đến thương mãi…

Phía Đông của Hoàng Thành, đi từ cửa Thượng Tứ vào, ta có viện Thượng Tứ, Quốc Tử Giám, Tân Thơ Viện (điện Long An), Cơ Mật Viện, đến Tôn Nhơn Phủ, Bộ Học, Khâm Thiên Giám, công sở của sáu bộ Lại  – Hộ – Lễ – Binh – Hình – Công, rồi đến phủ Đô Thống, ty Hộ Thành Binh Mã, Quốc Sử Quán, Đại Lý Tự và Đô Sát Viện… Rồi các tiềm để (nơi ở của vua lúc chưa lên ngôi) của vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị cũng đặt ở phía Đông.

Đi ra khỏi Kinh thành, phía Đông là phía phát triển kinh tế thương mãi, như các nơi chợ Đông Hoa (sau đổi tên thành chợ Đông Ba), chợ Đồn, chợ Dinh… khu vực phố buôn bán chính như Huỳnh Thúc Kháng, Hàng Bè, Phan Đăng Lưu, Chi Lăng, Bạch Đằng… rồi xa hơn nữa là Ngọc Anh, Lại Thế, Bao Vinh, phố cảng Thanh Hà… đều là những trung tâm thương mại ngày xưa.

Từ những nghiên cứu về các công trình và địa danh Huế xưa, chúng ta có thể thấy người xưa phát triển thành phố theo hai hướng Đông và Tây rõ ràng. Một hướng là nhu cầu tâm linh, một hướng là toàn bộ cơ quan hành chánh, là đời sống dân sinh. Vì vậy, Huế ngày nay phát triển như vậy không có gì mâu thuẫn với truyền thống.

Theo ông, trong phát triển thành phố Huế, nhân tố nào là quan yếu nhất phải đưa lên hàng đầu trong định hướng bảo tồn?

Phát triển Huế phải gắn liền với bảo tồn di sản vô giá mà tiền nhân để lại, đó là tất yếu. Huế là điểm đến của 5 di sản: Quần thể di tích Cố đô, Nhã nhạc triều Nguyễn, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình, Huế còn rất nhiều di sản xứng đáng ghi tên vào danh mục của UNESCO, để đứng ngang hàng với những kỳ quan hằng ngàn năm tuổi của nhân loại. Thật may là hiện đã có những cơ quan chuyên trách bảo vệ tốt những di sản văn hoá quan yếu của Cố đô.

Theo chúng tôi, những yếu tố thiên nhiên mà người xưa đã quy hoạch thành những thành tố bất khả phân của Kinh đô Huế như sông Hương, núi Ngự Bình, cồn Hến, cồn Dã Viên cũng phải đối xử với nó như những di tích tối quan trọng của Huế, nghĩa là phải có một hành lang pháp lý nghiêm cẩn để bảo vệ.Đô thị Huế mở rộng, cân bằng cả bốn hướngSông Hương và Kinh thành Huế là giá trị cốt lõi của đô thị Huế. Ảnh: Nguyễn Phong


Người xưa chọn vị trí hiện nay làm nơi xây dựng Kinh đô thì có lẽ con sông Hương là yếu tố quyết định. Để có được những nhân tố tự nhiên có sẵn biến thành những thành tố bất khả phân cho Kinh thành Huế như núi Ngự làm tiền án, sông Hương làm minh đường; cồn Dã Viên, cồn Hến tạo thế Tả thành long, Hữu bạch hổ, thì vị trí Kinh thành Huế hiện nay là vị trí chọn lựa duy nhất. Do vậy, dù vô cùng khó khăn hiểm trở vì lúc ấy có hai con sông Kim Long và Bạch Yến chảy ngang qua, người ta cũng phải huy động hằng vạn sức người để sang lấp, nắn chỉnh dòng chảy hai con sông để biến thành hệ thống sông hộ thành: bên trái là sông Đông Ba, bên phải là sông Vạn Xuân, phía sau là sông Bạch Yến, cùng với sông Ngự Hà chảy ngang qua kinh thành từ Tây sang Đông, và những thắng cảnh hồ ao danh tiếng như Tịnh Tâm, Học Hải, cùng hơn 40 cái hồ khác trong Kinh Thành… để xây dựng nên một diện mạo Kinh Thành độc đáo mà ta có hôm nay.

Tất cả những yếu tố ấy đều phải bảo vệ, mà quan trọng nhất phải lưu tâm khi phát triển thành phố là sông Hương, có lẽ là con sông duy nhất nằm trọn vẹn trong một thành phố. Đó là lịch sử, là môi trường, là cảnh quan, là nguồn nước sinh hoạt, là giao thông, là nhân tố xử lý vi khí hậu hiệu quả nhất; là hồn phách, là ký ức, là thơ ca nhạc hoạ… của xứ Huế. Vô cùng cần thiết có một hành lang pháp lý rõ ràng minh bạch để bảo vệ sự trong lành và vẻ đẹp của sông Hương cùng những thành tố thiên nhiên gắn liền, theo từng đoạn sông cụ thể.

Bảo vệ bờ sông, lối đi dạo hai bên bờ sông, và quy định thật rõ ràng một công trình được xây dựng tối thiểu phải cách bờ sông bao nhiêu (tuỳ theo từng đoạn của dòng sông), và chiều cao tối đa của công trình so với bờ sông là bao nhiêu độ. Phải thật cụ thể, thì các bộ phận thực thi quy định mới có thể thực hiện không sai sót.

Vô cùng cần thiết có một hành lang pháp lý rõ ràng minh bạch để bảo vệ sự trong lành và vẻ đẹp của sông Hương cùng những thành tố thiên nhiên gắn liền, theo từng đoạn sông cụ thể.

Núi Ngự Bình có thể là trung tâm của một đại công viên, án ngữ phía Nam thành phố hiện đại nay mai, với một công năng mới, mà lại không cách biệt hoàn toàn với công năng nguyên thuỷ, là bức bình phong che chắn những thứ bất lợi, hay những độc tố ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Cũng có thể xem như một đại hương án để hội tụ linh khí núi sông; nối liền với con sông Hương cho đến Kinh thành Huế, trong một không gian được bảo vệ toàn vẹn, bầu trời không bị những kiến trúc cao tầng che khuất. Và, phía Tây phải được phát triển ưu tiên cho những công trình thuộc về tâm linh như chùa chiền, nhà thờ, những công viên vĩnh hằng, những tượng đài, nhà lưu niệm, bảo tàng… Và không làm che khuất những rặng núi phía Tây, cũng ảnh hưởng đến sự trong lành của dòng sông huyền thoại xứ Huế.

Còn lại tất cả công trình thuộc về dân sinh sẽ phát triển dần dần về phía Đông, ở đó có đầm phá Tam Giang, có cả một vùng biển và dãi bờ biển quá đẹp. Như vậy, chúng ta có thể yên tâm không hề có sự mâu thuẫn nào trong sự phát triển của một thành phố hiện đại bên cạnh một kinh đô cổ kính. Và như thế, không hề có một sự xoay trục nào cả. Nam – Bắc vẫn là trục đòn xoay cân bằng khối lượng giữa hai phía Đông và Tây. Một bên là khối lượng của những công trình do bàn tay con người hướng về Biển Đông, một bên là khối lượng của những thực thể tự nhiên do thiên nhiên tạo ra.

Đó là tầm nhìn nối liền lịch sử và hiện đại.

Nguồn: Minh Tự/ nguoidothi.net.vn

5/5 - (1 bình chọn)

Related posts

Thừa Thiên – Huế đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn

Mr Hòa

Kỳ bí quanh bức tượng ‘thần cẩu’ ở Huế

Mr Hòa

Chủ tịch TT-Huế bất ngờ kiểm tra chốt kiểm dịch, lò mổ lúc nửa đêm

Mr Hòa

Leave a Comment