Image default
Di tích Huế Địa điểm Huế

Hồ Tịnh Tâm – Những điều ít biết

Booking.com

Hồ Tịnh Tâm đã trở thành một danh thắng quen thuộc nhưng còn nhiều điều thú vị về hồ Tịnh mà ít ai biết được…

Hồ Tịnh Tâm - Những điều ít biết 157

Hồ Tịnh Tâm nhìn từ máy bay năm 1966. Ảnh: Ted Dexter

Đệ nhất thượng uyển từng là điểm… biệt giam!

Vốn là khu thượng uyển nổi tiếng hàng đầu của vương triều Nguyễn, Tịnh Tâm từng được vua Minh Mạng làm thơ ca ngợi 10 bài liền với tiêu đề Bắc hồ thập cảnh. Vua Thiệu Trị lại xếp hạng Tịnh Tâm vị thứ 3 trong danh mục Thần Kinh nhị thập cảnh. Ngự chế áng thơ Tịnh hồ hạ hứng (1) (Cảm hứng mùa hè ở hồ Tịnh Tâm), vua Thiệu Trị ghi mấy dòng chú dẫn: “Hồ Tịnh Tâm trong veo muôn khoảnh, man mác hai hồ. Một dải đê dài, cầu cao như mống. Vui chơi khúc đàn Nam Phong trên gác Nam Huân, thỏa thích một trời, của nhiều no đủ. Xứng đáng cõi Thọ chốn Tây Trì, rõ ràng là danh thắng kinh đô. Phong quang vô hạn, chưa tận mắt ngắm trông e khó hình dung cảnh trí”. Ngô Văn Phú chuyển ngữ áng thơ Tịnh hồ hạ hứng như sau:

Trong vắt hồ giăng mấy khoảng xa,

Thềm soi đáy nước, loáng tinh hà.

Cây hoa, lầu gác, dường tiên cảnh,

Đất nước, non sông, thuộc mọi nhà.

Quạt chúa để suông, trời mát mẻ,

Đàn vua tiếng ngọt, nhập thơ ca.

Lâng lâng nhân trí, tình sâu rộng,

Cảnh sắc yêu người, chớ bỏ qua!

Quả thật, Tịnh Tâm không phải một, mà là hai hồ nước hình chữ nhật, cái nhỏ kề cái to; từ trên cao nhòm xuống nom y hệt bức “siêu thư pháp” viết giữa thiên nhiên một đại tự minh – chữ Hán 明 nghĩa là “sáng tỏ”.

Hồ Tịnh Tâm - Những điều ít biết 158

Hồ Tịnh Tâm qua tranh gương thời Nguyễn

Nguyên ủy, đây là khúc sông Kim Long (một chi lưu của sông Hương) chảy qua làng Phú Xuân. Năm Ất Sửu 1805, vua Gia Long quyết định nắn dòng Kim Long để tạo mặt bằng xây dựng Kinh thành Huế. Sông kia rày đã nên… hồ. Thoạt tiên là cả dải hồ rộng, mang tên hồ Ký Tế. Vua Minh Mạng nối ngôi, tiếp tục quy hoạch cảnh quan kinh đô, chia hồ Ký Tế làm đôi: một bên là hồ Học Hải – nơi sẽ thiết lập Tàng Thư Lâu; còn một bên là hồ Tịnh Tâm – chỗ dành cho “đấng thiên tử” cùng hoàng thân quốc thích tiêu dao thưởng ngoạn và di dưỡng tinh thần. Vua Minh Mạng lại cho đắp đê Kim Oanh băng ngang hồ Tịnh Tâm và tiến hành kế hoạch sửa sang tôn tạo khu vực này. Như thế, đây là quần thể ba cái hồ to nhỏ. Riêng Tịnh Tâm – tên khác là Bắc hồ vì nằm ở phía bắc Hoàng Thành (nói chính xác hơn thì ở góc đông bắc) – gồm hai hồ có tổng chu vi 1.980m, diện tích 107.533m². Dưới sự chỉ huy của Đô thống hữu quân là Nguyễn Tăng Minh và Tham tri bộ Hộ là Đào Trí Phú, cả lực lượng 8.000 binh lính đã dốc sức xây dựng Tịnh Tâm thành một công trình to lớn nhất và xinh đẹp nhất so với tất cả ngự viên ở đế đô nói riêng, toàn quốc nói chung.

Thuở ấy, bao quanh Tịnh Tâm là tường gạch cao, có bốn cổng vòm trổ ra bốn hướng, mang tên bốn mùa: Xuân Quang môn (ánh xuân – cổng hướng đông); Hạ Huân môn (gió hè – cổng chính hướng nam); Thu Nguyệt môn (trăng thu – cổng hướng tây); Đông Hy môn (khí hòa ấm mùa đông – cổng hướng bắc). Chắn hai đầu đê Kim Oanh là hai cổng Xuân Quang và Thu Nguyệt. Trên triền đê thẳng tắp này, triều đình cho trồng trúc vàng chen liễu biếc, lại tạo tác những hạng mục bằng vật liệu gỗ và gạch ngói rất mỹ thuật như đình Tứ Đại, nhà Khúc Tạ, nhà Thanh Tước, cầu Lục Liễu và cầu Bạch Tần. Theo Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, tập Kinh sư, phần Uyển hựu (bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo – Nha Văn hóa Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1960; trang 62) thì: “Các cầu ấy đều có nhà che trên; trong hồ có những sen, súng, tre, cây, chim bay cá nhảy, sắc xanh xen lộn sắc đỏ, hoa lá tốt tươi”. Nghĩa là cầu ở ngự uyển Tịnh Tâm vốn được thiết kế theo lối “thượng gia, hạ kiều”, kiểu thức cầu lợp mái che mưa nắng, tương tự cầu ngói Thanh Toàn ở ngoại thành Huế và cầu Lai Viễn ở Hội An.

Trong hồ Tịnh Tâm có ba hòn đảo. Đảo Phương Trượng nằm giữa hồ nhỏ phía bắc, có gác Nam Huân hai tầng, có hiên Dưỡng Tính, nhà Hạo Nhiên (đến đời Tự Đức đổi tên là nhà Thiên Nhiên), cầu Bích Tảo, lầu Tịnh Tâm. Tên lầu cũng là tên hồ, nhưng trong vài tài liệu mà người Pháp ghi chép thì họ lại gọi lầu Tịnh Tâm là palais Sans Souci / điện Vô Tư. Giữa hồ lớn phía nam là đảo Doanh Châu và đảo Bồng Lai. Trên đảo Bồng Lai có điện Bồng Doanh nguy nga tráng lệ và cầu Bồng Doanh cùng cầu Hồng Cừ nối vào bờ, lại có lầu Trừng Luyện, nhà thủy tạ Thanh Tâm, thêm bao lơn, hiên, đình, giả sơn, cổ thụ lẫn kỳ hoa dị thảo. Duy đảo Doanh Châu bé nhất, dành để trồng cây cối sum sê.

Điện Bồng Doanh – còn gọi Bồng Dinh – lại là nơi mà về sau, năm Quý Tị 1893, các quan phụ chính tuân lệnh lưỡng tôn cung đã đưa vua Thành Thái ra đó “an dưỡng tâm thần”. Vì sao? Nguyễn Phúc tộc thế phả (NXB Thuận Hóa, Huế, 1995; trang 391) giải thích lý do: bởi đức vua “ tính tình bất thường, ham chơi bời, ít chịu nghe lời can gián”. Chốn thượng uyển xinh tươi trở thành chỗ biệt giam hoàng đế!

Hồ Tịnh Tâm - Những điều ít biết 159

Vua Thành Thái

Danh thắng Tịnh Tâm hình thành bao giờ?

Đại Nam nhất thống chí (sđd) ghi nhận: trong hồ Ký Tế có hai gò cồn, trên đó là hai kho hỏa dược và diêm tiêu lập từ đời Gia Long, đến năm Minh Mạng XIX thì dời hai kho ấy qua phía đông, lấy chỗ làm hồ Tịnh. Tin tưởng tư liệu kia, nhiều sách báo, nhiều trang web cùng các tài liệu hướng dẫn du lịch thời gian qua vẫn khẳng định danh thắng Tịnh Tâm vốn khởi dựng từ niên hiệu Minh Mạng XIX, tức năm Mậu Tuất 1838.

Tiếc thay, chi tiết này chưa chính xác!

Trong bài Quelques coins de la Citadelle de Hué (Vài góc Kinh thành Huế) đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH: tập san Đô Thành Hiếu Cổ) năm 1922, Léopold Cadièrre và Nguyễn Đình Hòe đã chứng minh rằng trước thời điểm 1838, một số hạng mục kiến trúc cơ bản ở Tịnh Tâm đã hoàn tất và được đưa vào sử dụng. Bằng cớ là qua hồi ký Souvenir de Hué (Kỷ niệm xứ Huế) (2) công bố năm 1867, Michel Đức Chaigneau từng mô tả cảnh sắc hồ Tịnh Tâm với lầu đài cùng tên, thêm non bộ, những bồn hoa to nhỏ, cầu gỗ sơn màu, v.v., khi ông hân hạnh được vời tới đấy tiếp kiến vua Minh Mạng nhiều lần trong giai đoạn 1821 – 1822.

Hồ Tịnh Tâm - Những điều ít biết 160

Vua Khải Định đi săn ở hồ Tịnh Tâm

Cũng theo L. Cadièrre và Nguyễn Đình Hòe thì đến năm Nhâm Tuất 1922, “một trong những thắng cảnh thanh lịch nhất Kinh thành” là Tịnh Tâm “chẳng còn gì ngoài một khuôn rào cao, tứ phía có bốn cổng vòm mang tên Xuân Quang, Hạ Huân, Thu Nguyệt, Đông Hy”. Phải chăng bao điện lầu cầu gác tại thượng uyển này bị cơn bão Giáp Thìn 1904 quật đổ tan tành, từ đó vì nhiều lý do, các cơ sở vật chất ở Tịnh Tâm nhanh chóng xuống cấp rồi bị triệt giải dần?

Hồ Tịnh Tâm - Những điều ít biết 161

Hồ Tịnh Tâm qua bưu ảnh Pháp

Trên tạp chí Huế Xưa & Nay số 31 (1999; trang 54 – 55), có ý kiến cho rằng cuối năm 1946, đầu năm 1947, trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp, hệ thống tường rào cũng như các nền móng kiến trúc ở Tịnh Tâm đều bị phá hủy, mãi tới năm 1960 thì một số hạng mục công trình mới được tái thiết nhỏ. Tuy nhiên, quan sát ảnh tư liệu cũ còn bảo lưu, hậu thế có thể đoán định việc sửa sang tạm thời khu vực Tịnh Tâm – như xây lan can thấp quanh hồ và quanh đảo Bồng Lai, dựng nhà bát giác trên nền điện Bồng Doanh, bắc cầu gỗ nối đảo Bồng Lai với đê Kim Oanh – có khả năng diễn ra sớm hơn, khoảng thập niên 1950.

Cây cầu gỗ vừa nhắc, sau này được xây lại bằng vật liệu bê tông cốt thép. Còn nhà bát giác thì đã sập. Con đê Kim Oanh đã tráng nhựa, trở thành đoạn đường Lê Văn Hưu (thẳng góc với đường Đinh Tiên Hoàng), vệ đường lơ thơ mấy gốc dừa cằn cỗi. Cây cỏ hoang dại tha hồ mọc um tùm trên ba hòn đảo và nhiều chỗ chung quanh hồ. Đệ nhất thượng uyển của vương triều Nguyễn giờ hóa nên phế tích!

Hồ Tịnh Tâm - Những điều ít biết 162

Trên đảo Bồng Lai hiện nay. Ảnh: Phanxipăng

tiếc gì 1 click để cho sao nếu thấy hay

Related posts

Điện Thái Hoà

Mr Hòa

Triệu Miếu

Mr Hòa

Đi chợ Đông Ba ăn hàng

Mr Hòa

Leave a Comment