Image default
Huế trong tôi Viết về Huế

Huế thương

Booking.com

Lần đầu đến Huế, điều tôi nhớ đến trước tiên là ấn tượng của những người bạn đã đến xứ sở mộng mơ này trước tôi. Một phép so sánh cảm xúc về vùng đất đã quá quen thuộc trong thơ nhạc và trong trí tưởng tượng của những con người lãng mạn.

Đường vào Đại – Ảnh: H.ThưMột người vốn không thích nhạc Trịnh, đó cũng là chuyện bình thường, chẳng ai thắc mắc làm chi. Cho đến một ngày, sau chuyến đi Huế cùng bạn bè, cô nàng bỗng ngẩn ngơ nhớ những bài hát mà trước đó cô không thích. Rồi cô kể: “Hôm đó đến Huế đúng đêm khuya. Xe lăn bánh chậm vào thành phố, bỗng giọng ca Khánh Ly vang lên đâu đó: Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ. Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già một ngày kia đến bờ… Sao hay khủng khiếp. Cảm giác lạ lắm, không sao tả được”. Thế là từ đó thích. Và cô rất cảm ơn Huế vì điều này. Một người khác, quê ở miền Trung lại nhớ Huế vì một cơn mưa. “Hồi đó vào Huế thi đại học.

Đang ngồi uống cà phê thì bỗng nhiên một cơn mưa ập đến. Đúng lúc đó, nhạc trong quán cà phê vang lên: Em đứng lên gọi mưa vào hạ, từng cơn mưa, từng cơn mưa, mưa thì thầm dưới chân ngà….”. Đến nay, đã gần hai mươi năm rồi mà vẫn không quên cái cảm giác được nghe bài hát đó giữa cơn mưa bất chợt ở xứ Huế. Thế mới hiểu, vì sao cứ nhắc đến xứ này người ta phải nhớ đến thơ và nhạc”, cô bạn nhớ lại. Người khác dặn dò tôi, đến Huế đi đâu thì đi, nhớ qua đường Nguyễn Trường Tộ, ở đó có khu tập thể mà trước đây nhạc sĩ họ Trịnh đã sống. Hai bên đường vẫn còn hàng long não đẹp lắm, nhìn lên lúc nào cũng thấy nắng nhấp nhô. Vậy là tôi dạo bộ qua đường Nguyễn Trường Tộ.

Đúng là một con đường đẹp, sạch và vắng. Hàng long não vẫn còn đó như đã đứng ở đây từ rất lâu rồi. Nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng vẫn trên con đường này nhưng bây giờ là nơi ở của hai vợ chồng nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ. Ngôi nhà của người nhạc sĩ nổi tiếng, được bao người ái mộ giản dị đến không ngờ. Quanh đấy, có khá nhiều quán cà phê vắng. Tôi chọn lấy một quán để ngồi và tưởng tượng cách đây mấy chục năm, người nhạc sĩ với dáng vẻ thư sinh, cặp kính cận trên đôi mắt sáng dịu hiền ấy hay đi lang thang trên con đường đẹp như mơ này và có lẽ cũng ngồi đây uống cà phê.

Rồi tôi tự hỏi, nếu sinh ra và lớn lên ở một miền quê khác, không phải là Huế liệu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có sáng tác được nhiều bài hát hay đến thế? Ấy thế mà đến Huế lần này, ngồi trong những quán cà phê có vẻ hiện đại, tôi lại thắc mắc: Sao ở Huế mà toàn được nghe những bài hát về Hà Nội thế nhỉ? Và câu trả lời là: Vì những bài hát ấy hợp với không gian ở đây. Lạ thật! Rất may, những ngày này tôi được gặp nhạc sĩ Phú Quang. Phú Quang bảo, ấn tượng về Huế của anh thì rất nhiều nhưng nhớ nhất là một lần, cách đây đã lâu lắm rồi, anh đang đi trên đường thì bất chợt mưa to.

nh vội vàng chạy đi tìm chỗ trú thì bỗng thấy bên kia đường một cô gái trẻ lặng lẽ bình thản ngước nhìn mưa rồi lấy ra chiếc ô. Cô gái nhẹ nhàng che ô, rồi bước đi trong mưa, như thể hàng triệu triệu giọt nước bất thình lình từ trên trời đổ xuống kia dù có làm bao người luống cuống thì cô vẫn không hề hấn gì. Nhạc sĩ Phú Quang rất thích câu chuyện này. Mà gặp ai anh cũng kể, tùy vào quãng thời gian dài hay ngắn mà anh kể một cách nhâm nhi hay vội vàng song lần kể nào cũng rất hào hứng. Thế nhưng, oái ăm thay, từ đó đến nay, anh vẫn không thể nào viết được một ca khúc để “trả nợ” cái cảm giác lạ lùng mà một người con gái Huế vô danh đã đem lại cho mình. Nhiều người bảo con gái Huế đẹp, kiêu kỳ mà không kênh kiệu, niềm nở, vui cười mà vẫn kín đáo, e lệ. Có những vùng ở Huế nổi tiếng vì toàn con gái đẹp, đến nỗi ngày xưa vua chúa thường đến đó tuyển vợ. Thế nhưng, đi ra đường ít khi gặp con gái Huế đi chơi, nhất là đi một mình càng hiếm.

Những thiếu nữ Huế bây giờ vẫn giữ truyền thống xưa, thích sống trong không gian kín cổng cao tường hơn là đi lang thang vô định ngoài phố. Ngược lại, khách du lịch trong và ngoài nước khi đã đến Huế đều rất thích lang thang trên các con đường với những hàng cây thấp, ăn những món ăn vỉa hè bình dân mà ngon miệng. Hàng ngày, trên cầu Trường Tiền, cầu Phú Xuân và những con đường dọc sông Hương lúc nào cũng thấy người đi bộ, vừa đi vừa ngắm sông Hương dù trời nắng chang chang. Buổi tối, bên sông Hương có phố đêm, nơi này bán những món hàng đủ loại giá rẻ và cả những quán nhậu lúc nào cũng đông khách. Nếu muốn gần sông hơn nữa, khách có thể xuống đi thuyền dạo mát trên sông. Có hai loại thuyền chạy trên sông vào buổi tối. Thuyền nhỏ chỉ chở khách đi dạo mát, thuyền to thì có thêm ca Huế và thả đèn hoa đăng. Thuyền nhỏ, thuyền to đều đậu kín bờ sông. Những lúc thuyền chạy, đứng trên bờ có thể nhìn thấy cả một dàn hoa đăng lấp lánh trên sông Hương… Theo Hà Anh – Hà Xuyên

Nguồn: daidoanket.vn

tiếc gì 1 click để cho sao nếu thấy hay

Related posts

Nỗi niềm mưa Huế

Mr Hòa

Chủ tịch tỉnh cõng trẻ khuyết tật vui Tết Trung thu

Mr Hòa

Góc khuất sau ngai vàng: Thực hư điềm báo làm Vua

Mr Hòa

Leave a Comment