Năm 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đánh tan quân Trịnh và đến năm 1789 lên ngôi hoàng đế lấy Phú Xuân làm kinh đô. Trải qua gần 200 năm, các làng quê nông nghiệp Thụy Lôi, Hà Khê…của huyện Hương Trà đã chuyển mình đô thị hóa trở thành một trung tâm quân sự, hành chánh, kinh tế, văn hóa của Ðàng Trong và của cả nước từ thế kỷ 17. Các công trường ra đời trong bối cảnh ấy, về sau trở thành địa danh như Trường Cỡi, Trường Ðá, Trường Ðồng…
Ở đây, “Trường” có nghĩa là khoảng đất rộng rãi, chỗ tụ họp, chỗ xảy ra việc gì, trường học, trường thi, chỗ nhiều người tụ họp chính là những công trường, trường thi…ra đời sớm muộn khác nhau nhằm đáp ứng và phục vụ nhu cầu xây dựng phát triển của đô thị Phú Xuân-Huế, cũng có trường hợp mang ý nghĩa lịch sử…về sau trở thành địa danh làng xóm đến nay vẫn tồn tại tên gọi song đã phủ lên lớp bụi thời gian, tầng văn hóa mới. Dưới đây là một số địa danh:
TRƯỜNG CỠI
Thôn Trường Cỡi (còn phát âm trại là Cưỡi) nay thuộc phường Trường An, thành phố Huế; đông giáp làng An Cựu, tây giáp ấp Bình An (đất cũ làng Phú Xuân), nam giáp đất làng Phước Quả; nguyên thuộc làng Dương Xuân của huyện Hương Trà, về sau (năm 1835) thuộc huyện Hương Thủy.
Buổi đầu, nơi đây là một trong ba phường ấp thợ dệt hàng tơ thời các Chúa Nguyễn, , điều này đã được Quế Ðường Lê Quý Ðôn ghi chép trong sách Phủ Biên Tạp Lục rằng: “ huyện Hương Trà có phường làm nghề dệt hàng tơ ở phía sau Phủ Cam, phía đông nam sông Phú Xuân, về địa phận 3 xã Sơn Ðiền, Dương Xuân, Vạn Xuân, chia làm 3 ấp, mỗi ấp 10 nhà, mỗi nhà 15 thợ dệt”.
Ở Sơn Ðiền, đến thời Cảnh Thịnh (1744) xuất hiện nghề đúc đồng. Làng Vạn Xuân lại chịu cảnh di dời để lấy đất dựng kinh thành thời Gia Long, năm 1803. Duy chỉ có 150 thợ dệt ở Dương Xuân, sau Phủ Cam là ổn định, do đó đã tồn tại thôn Trường Cỡi mặc dù về sau nghề thủ công dệt tơ ở đây không còn nữa.
TRƯỜNG ÐÁ
Quá trình xây dựng các công trình kiến trúc ở thủ phủ, đô thành Phú Xuân có thời gian dài và qui mô rất lớn, vì vậy đòi hòi phải có nhiều đội thợ chuyên môn khai thác đá phục vụ nhu cầu. Ở làng Nguyệt Biều có một vùng đá tự nhiên, lại cách bờ sông Hương không xa do đó đây là nơi thuận tiện trong việc khai thác đá. Lính thợ đến công trường đá làm việc dài ngày tổ chức sinh hoạt ăn uống tại chỗ, về sau việc khai thác giảm dần cho đến khi chấm dứt vì cạn nguồn nguyên liệu, thợ đá cùng gia đình định cư luôn tại chổ, dần dà thu hút những người khác đến ở, về sau sau thành thôn ấp, vẫn lấy tên Trường Ðá.
TRƯỜNG ÐỒNG
Trưòng Ðồng là nơi cất giữ các loại phế liệu đồng của phường Ðúc ở bờ nam sông Hương bấy giờ, do nhu cầu đúc súng và đồ gia dụng, thờ phụng ở thủ phủ, đô thành Phú Xuân; các phường Ðúc ấy là 2 thôn “Phan Xá và Hoàng Giang” huyện Khang Lộc khéo đúc súng. Họ Nguyễn lấy 60 người ở Phan Xá đặt làm 2 ty thợ “Tả súng, hữu súng, 12 người chánh ty quan, 40 người lính…lấy 40 người của Hoàng Giang đặt làm ty thợ nội súng; trong đó có 1 người thủ hợp, 1 người ty quan…” (PBTL, tr. 357) gọi là thợ Bản Bộ; lại có “phường Ðúc ở bờ nam sông Phú Xuân, đều là người khách kiều cư ngụ lộn xộn cũng biết đúc súng đồng và vạc, chảo, nồi, cây đèn, cây nến, mọi vật”(PBTL, tr.358) gọi là thợ Kinh Nhơn. Các Ty Pháo tượng đều được tổ chức vào năm Tân Mùi (1631) thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Trường Ðồng nay là một xóm cư ngụ thuộc địa bản phường Phường Ðúc, thành phố Huế.
TRƯỜNG SÚNG
Tháng 9 năm Ðinh Mão (1747) Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho lập Trường Súng. Trước đó tháng 3 năm Ðinh Tý (1696) Nguyễn Phúc Chu đã cho lập Trường Pháo ở phủ sau, và cũng đã lập Trường Súng tập dợt vào năm 1701, song việc xây dựng Trường Súng cố định thì đến 1747 mới chính thức khai triển.
Ðịa điểm Trường Súng ở bờ nam sông Hương, gần cửa sông An Cựu chảy vào sông Hương, nguyên là đất xứ Lâm Lộc làng Phú Xuân, nay thuộc địa bàn phường Phường Ðúc, thành phố Huế.
TRƯỜNG TIỀN
Ðây chính là nơi đúc tiền, lập ra vào thời điểm quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân. Công trường đúc tiền này chỉ hoạt động một lần duy nhất, kéo dài hơn 4 tháng ở bên ngoài dinh trấn, cạnh bờ sông Hương thuộc địa phận làng Phú Xuân (Thụy Lôi) nhưng kể như là một sự kiện đâc biệt, một công trường lớn, huy động nhiều người…do đó khắc đậm dấu ấn trong đời sống xã hội, địa danh Trường Tiền ra đời trong b61i cảnh ấy và tồn tại lâu dài cho đến ngày nay.
Năm Thành Thái 9 (1897) làm cầu tại địa điểm này, dân gian bèn gọi ngay là cầu Trường Tiền. Năm Thành Thái 11 (1899) lập phố Trường Tiền:”từ cầu Gia Hội phía nam đến cầu Trường Tiền và dãy trại dài phía đông nam kinh thành, đều thuộc phường Ðệ Nhất. Năm 1899, phân chia đất cho quan dân, ai muốn nhận phần đất cất phố thì mỗi người nhận làm 1 sở, tường phố liên lạc dài thẳng một dây, người Tàu ở xen kẻ buôn bán, so sánh với các phố khác thì trù mật hơn. Trước mặt phố đắp đường quan, dân chúng qua lại, xe ngựa dong ruổi, giữa đô thị có cảnh trí xe chạy đụng bánh, người đi chen nhau vậy!”.
Ðịa danh Trường Tiền nay là khu vực chợ Ðông Ba, phố Trần Hưng Ðạo, thuộc phường Phú Hòa, thành phố Huế.
TRƯỜNG THI
Buổi đầu khai khẩn xứ Ðàng Trong, công việc bề bộn, chuyên thi cử học hành chưa sắp xếp tổ chức chu đáo được. Từ năm 1632, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho duyệt tuyển lính, 6 năm 1 lần tuyển lớn, 3 năm 1 lần tuyển nhỏ. Ba huyện Hương Trà, Quảng Ðiền, Phú Vang đặt một trường. Mỗi khi đến kỳ tuyển lớn thì thông báo cho học trò các huyện đều đến trân dinh để khảo thí một ngày. Phép thi dùng một bài thơ 1 đạo văn sách, hạn trong một ngày phải làm xong, lấy tri phủ, tri huyện làm sơ khảo, ký lục làm phúc khảo. Người thi trúng tuyển thì cho làm Nhiêu học được miễn thuế 5 năm: được gọi là “thi quận vào mùa xuân” (TB, tr. 62,63).
Ðịa điểm tổ chức Trường Thi này ở Cồn Hến, một cồn lớn, rộng rãi, giữa sông Hương nằm bên trái trước mặt phủ Phú Xuân, nay thuộc phường Giang Hến, ấp Bồi Thành của phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Năm 1775, có ghi rõ nơi này là “Thi trường lục niên nhất khoa”. Về sau, Trường Thi dời địa điểm đến nhiều nơi như ở phường Ninh Bắc, làng An Ninh, làng La Chữ, phường Tây Nghị trong kinh thành…song đây là Trường Thi đầu tiên và được tổ chức nhiều khoa thi từ thế kỷ 17 ở đô thành Phú Xuân thời các chúa Nguyễn.
Ngoài các công trường nói trên, còn có các xưởng thuyền, kho thóc, ngành nghề thủ công ở Mậu Tài, Phú Bài, Cầu Hai, Ðốc Sơ, Võng Trì, Lại Ân, Tiên Nộn, Phước Tích, Mỹ Xuyên, Hiền Lương… đã góp phần sản xuất nhiều của cải và đồng thời quy tụ, huy động nhiều thợ ở nhiều địa phương khác nhau về ở thủ phủ, đô thành Phú Xuân, làm cho mảnh đất nông nghiệp truyền thống này sinh động, linh hoạt hẳn lên làm căn bản cho giai đoạn phát triển đô thị cổ Phú Xuân-Huế vào thế kỷ 19.
Nguồn: huevatoi