Phá Tam Giang
“Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”
Đó là những câu ca dao nói về đoạn đường gian khổ, khó khăn, khi người Việt mở cõi từ Bắc vào miền Trung. Phá Tam giang ngày xưa hai bên bờ là những đầm lầy đầy lau lách, ở đó có sào huyệt của một nhóm cướp khét tiếng vào thời kỳ bấy giờ.
Cho nên thương em mà không dám vô cớ là vậy.Sự khắc nghiệt, nguy hiểm của Phá Tam Giang đã được con người ở đây chống đỡ, gầy dựng để rồi ngày nay con người ở dây tự hào mà nói rằng:
“Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông Nhà Hồ nội tán dẹp yên
Yêu em anh hãy vô liền
Trong ni cơm gạo của tiền thiếu chi”
Là người con được sinh ra và lớn lên trên đất Phá, tôi luôn cảm thấy tự hào về nơi mình đang sống, và tự hào hơn khi thấy nó đang ngày ngày phát triển.
Trên bản đồ Du Lịch của Huế nói chung và Việt Nam nói riêng đã bắt đầu xuất hiện ba từ Phá Tam Giang với các Tour du lịch sinh thái, Homestay…bởi trong lòng Phá đang ôm ấp biết bao nhiêu là tiềm năng du lịch chưa được khai thác hết, Phá Tam Giang không chỉ đẹp vì chính bản thân nó, mà còn đẹp bởi con người ở đây, bởi các phong tục , tập quán, tín ngưỡng riêng mang lại cho Phá Tam Giang một “ nét đẹp tiềm ẩn” về cả vất chất lẫn tinh thần.
Quả thực, sắc màu lạ của Phá Tam Giang đã tô điểm thêm cho ngành du lịch Huế một gam màu khác biệt.
Nơi đây có tính đa dạng sinh học cao với nguồn lợi thủy sản phong phú cả động thực vật trên cạn lẫn dưới nước. Một số lượng lớn cá đánh bắt được trên Phá Tam Giang sẽ được bán về các chợ trong vùng hoặc bán cho thương lái các nơi, hay dùng để làm nguyên liệu cho các làng làm mắm địa phương.
Thêm vào đó, Phá Tam Giang còn là một thủy vực điều hòa khí hậu khổng lồ, góp phần chắn bão lũ cho thành phố Huế. Thế nên những người làm du lịch ở Huế mới ví tiềm năng du lịch của Tam Giang – Cầu Hai là “kho vàng” chưa mở.
Trên hành trình khám phá Phá Tam Giang, không gì thú bằng được ghé lại quán ăn ngay đầu đò ngang, thưởng thức những đặc sản cá, mực, tôm, cua, ghẹ… tươi rói, nhảy tanh tách, ăn đến đâu thơm ngọt đến đấy. Ghẹ đặc biệt nhỏ chỉ bằng ba ngón tay nhưng ngọt và chắc. Còn sò điệp vài chục ngàn một mớ giòn tươi…
Vừa thưởng thức hải sản vừa hưởng thụ bầu không khí trong trẻo trên những chiếc chòi lá dựng sát mép nước. Chiều đầm phá lộng gió vẫn ngày ngày thổi qua cuộc sống thanh bình của những ngư dân quanh năm chỉ biết đến thả lưới giăng câu…
Hay đặc biệt hơn chúng ta còn có thể tham gia cùng ngư dân ở đây đi “ đổ nò , sáo” để thu thủy hải sản vào sáng sớm tinh mơ để kịp cho buổi chợ sáng.
Về Phá Tam Giang chúng ta còn được tham quan các ngôi nhà “ Chồ” đặc biệt dành cho ngư dân ở đây để thưởng thức một cuộc sống thanh thản, trong lành và đầy ắp tiếng cười.
Nhà Chồ ở phá Tam Giang
Tuy nhiên, trong chương trình khai thác phát triển Phá Tam Giang thành điểm đến trong tương lai vẫn rất cần một kế hoạch có tầm nhìn chiến lược của cấp quản lý, để làm sao vừa phát triển được du lịch vừa không phá vỡ kết cấu sinh thái vùng và vẫn đảm bảo đời sống cho bà con ngư dân. Có như thế đầm phá mới thực sự là điểm phát triển bền vững.
Hi vọng trong thời gian sớm nhất Phá Tam Giang sẽ được nhắc đến như một điểm đến hấp dẫn khi du khách đến Huế.
Thiều Trúc
Nguồn: dulichhue.com.vn