Ca Huế – bộ môn ca nhạc bác học duy nhất trong nghệ thuật âm nhạc dân tộc – gắn với địa danh là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn (1802 – 1945), vương triều phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
Ngay từ nửa đầu thế kỷ XVIII, danh nhân Đào Duy Từ đã có công lớn trong việc giúp các chúa Nguyễn xây dựng âm nhạc cung đình, đồng thời khuyến khích phát triển âm nhạc dân gian. Ông đã lập ra Hòa Thanh thự để huấn luyện múa hát; biên soạn, cải biên nhiều điệu múa, bản nhạc phục vụ cho cung đình chúa Nguyễn. Tiếp tục truyền thống của các vương triều trước, ngay sau khi thành lập, triều đình nhà Nguyễn đã lập các đội nhạc ngự để đảm nhận việc nhạc triều. Ngoài việc phục vụ các nghi lễ của triều đình, các nhạc công còn được các ông hoàng bà chúa, quan lại, nho sỹ… mời về tại dinh để học đàn, hoặc thưởng thức tài nghệ của những nghệ nhân, nghệ sỹ. Các phòng nhạc cũng ra đời từ đó.
Ca Huế – Khamphahue
Theo thời gian, bộ môn ca nhạc bác học này được định danh là ca Huế.Một sự tự nhiên là xuất phát từ nhu cầu sáng tác, biểu diễn, thưởng thức các bản nhạc mới là sự ra đời và hoàn thiện các nhạc cụ mới bên cạnh những nhạc cụ đã có. Một nhạc cụ gắn với hình thành ca Huế được đặt tên là nam cầm – với ý nghĩa cây đàn do người Việt sáng chế ra. Đáng tiếc là nhạc cụ này không hiểu sao ngày nay không còn. Theo giáo sư Bửu Cầm thì ông Nguyễn Phúc Dục, một hoàng thân của nhà Nguyễn thời chúa Duệ Tông (1765 – 1777) là tác giả của cây đàn này. Giáo sư Bửu Cầm cho biết: “Dục rất tinh nhạc lý, xét nghiệm âm điệu tiết tấu chẳng bao giờ sai lầm. Thường hiềm vì điệu nam rất cao, đàn xưa nhấn nhịp không đúng, Dục mới chế tạo ra nam cầm. Đàn có tám dây, thùng dày và vuông, cần đàn dài ba thước mộc, hợp đàn cầm, đàn sắt và đàn tỳ bà làm một; tiếng đàn thanh, lấn cả đàn tranh, đàn nguyệt”. (Huế Xưa và Nay số 103 Xuân Tân Mão 2011 tr.56).
Biểu diễn ca Huế tại Nghinh lương đình. Ảnh: InternetThoạt đầu, việc thưởng thức các bản nhạc được chưng cất từ nhiều nguồn: nhạc cung đình, nhạc tôn giáo, nhạc dân gian trở thành thú vui tao nhã của giới thượng lưu. Tiếp đó, chính họ – những nhà nho, nhà thơ đã sáng tác lời ca đi kèm các bản nhạc đó vừa là cái thú ngâm vịnh văn chương, giãi bày tâm sự, vừa làm cho cái thú tiêu khiển thêm thi vị. Hiểu biết thưởng thức ca Huế có thể nói là đã trở thành một trong những tiêu chuẩn về nhân cách quý tộc trong giới hoàng thân, quốc thích, tầng lớp nho sỹ… Nhiều bản nhạc được soạn thảo thêm cùng với nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của giai cấp phong kiến quý tộc, các văn nhân, nho sỹ. Nhạc sỹ Phạm Duy trong
Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam
(NXB Hiện đại – Sài Gòn 1972) dẫn lại tài liệu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho biết, dưới thời Tự Đức (1847 – 1883) có ít nhất hai mươi lăm bản nhạc được hình thành. Một số bản nhạc có lời ca. Chắc chắn còn nhiều bài bản hơn thế nữa. Một số bài có lời ca viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm.
Các bản nhạc thời kỳ ấy là: Lưu Thủy chậm, nhanh; Cổ Bản; Phú Lục chậm, nhanh; Thập thủ liên hoàn gồm: Phẩm Tuyết, Nguyên Tiêu, Hồ Quảng, Liên Hườn (Liên Hoàn), Bình Bản (Bình Bán), Tây Mai, Kim Tiên (Kim Tiền), Xuân Phong, Long Hổ, Tẩu Mã; Đảo Ngũ Cung; Hạ Giang Nam; Nam Chiến; Nam Xuân; Ai Giang Nam; Nam Ai; Nam Bình; Quả Phụ; Tứ đại cảnh; Hành Vân. Có ba điệu lý cũng được đưa vào cho là ca Huế trong “Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam” là lý Tử vi, lý Con sáo và lý Nam xang, nhưng chúng tôi không xếp vào các bài bản ca Huế. So sánh với các bài bản ca Huế đang được lưu hành thì có bản khác với âm nhạc hiện nay, hoặc không còn phổ biến nữa. Từ thú tiêu khiển “ngắm hoa, thưởng nguyệt” trong cảnh gió mát trăng trong, gửi lòng mình trong tiếng đàn, lời ca; giới văn nhân, quý tộc đã sáng tác thêm lời ca.
Chính vì thế mà lời ca Huế có tính văn học cao. Các hình thức ca tri âm, ca sông Hương, ca sa lông phục vụ giới thượng lưu ra đời. Mặt khác, các bài bản ca Huế còn tiếp thu tinh hoa của dân ca, “cổ điển” hóa thành các bài bản. Một trong những dẫn chứng rõ nhất mà ca Huế đã thu nạp, hoặc chịu ảnh hưởng của dân ca (theo nhạc sỹ Phạm Duy – sách đã dẫn) là hai bài Tứ đại cảnh của ca Huế và Khi tương phùng của dân ca Quan họ “nét nhạc hai bài giống hệt nhau, nhưng Tứ đại cảnh nằm trong ngũ cung lơ lớ”. Tứ đại cảnhNghe tiếng đàn Thêm nhớ bạn Sông dần cạn Dạ em vẫn chưa sờn Chưa bao giờ Gặp mặt ân nhân … Khi Tương phùngKhi tương phùngKhi tương ngộXuôi lên bộVăng vẳng tiếng tơ tìnhChiêm bao lầnLần chần năm canh…Thuật ngữ ca Huế được hiểu là những bài hát hình thành nên từ vốn âm nhạc cung đình, tôn giáo và sự cách điệu từ các làn điệu dân ca khắp các miền của đất nước mà chủ yếu là các điệu lý, hò ở Bình Trị Thiên. Như vậy, hai nguồn âm nhạc cổ điển và âm nhạc dân gian đã hình thành nên ca Huế. Ca Huế phát triển nhất từ những năm bảy mươi của thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Do bắt nguồn từ nhu cầu thưởng thức, tiêu khiển, ngâm vịnh của giai cấp quý tộc, phong kiến mà các bài bản buồn (các điệu Nam) của ca Huế được xem là thành công nhất.
Minh Kiêm