Món ăn quen thuộc của xứ Huế đã được người dân “biến tấu” với những nguyên liệu và hương vị khác nhau. Nhưng dù là loại nào đi chăng nữa thì cũng khiến thực khách phải “xiêu lòng”.
Xứ Huế mộng mơ lâu nay nổi tiếng với hàng tá món ăn ngon bình dân nhưng không kém phần tinh tế, và được chế biến rất cầu kỳ. Chỉ riêng món bánh canh thôi, nhưng người Huế đã “biến tấu” thành nhiều loại khác nhau, với những hương vị thơm ngon khó cưỡng.
Bánh canh Nam Phổ
Trong số những loại bánh canh hiện có ở Huế, người dân nơi đây vẫn tự hào về món bánh canh Nam Phổ nổi danh thiên hạ.
Bánh canh Nam Phổ là món ngon gia truyền của làng Nam Phổ (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Không biết món ăn này có từ bao giờ, nhưng nhiều gia đình ở làng Nam Phổ đã gắn bó với gánh bánh canh 3 – 4 đời nay.
Bánh canh Nam Phổ. (Ảnh: Foody)
Người Nam Phổ chế biến món bánh canh cũng hết sức công phu. Sợi bánh được nấu từ bột gạo và bột lọc theo tỉ lệ “3 gạo – 1 lọc”.
Nhân bánh được chế biến từ thịt ba chỉ và tôm. Tôm là loại ở đầm, tươi, không tanh, thịt ngọt đậm đà. Tất cả được làm sạch, giã nhuyễn, viên nhỏ và nấu thành hỗn hợp sánh mịn. Khi bột trong nồi vừa chín tới, người ta bỏ tôm và thịt viên vào.
Không chỉ thu hút bởi mùi vị, tô bánh canh thật hấp dẫn với màu trắng của bánh xen lẫn nhân tôm thịt và màu xanh mướt của hành lá, khi dùng, bạn nhớ trộn thêm chút mắm ớt xanh. Hương vị đậm đà của món ăn này tạo nên nét ẩm thực rất riêng của cố đô Huế.
Bánh canh cá lóc
Bánh canh cá lóc. (Ảnh: Foody)
Với người Huế, bánh canh cá lóc là món ăn quen thuộc đến nỗi mỗi ngày ăn hoài vẫn không thấy chán.
Để làm ra được món bánh canh cá lóc, người Huế rất cầu kỳ, tỉ mỉ trong nhiều công đoạn chế biến. Công đoạn đầu tiên chính là chế biến bánh canh. Dù hiện nay có rất nhiều địa chỉ bán bột bánh canh chế biến sẵn, nhưng nhiều quán vẫn chọn cách làm thủ công để giữ được hương vị truyền thống của món bánh này.
Tiếp đến, việc chọn và chế biến cá lóc cũng đòi hỏi sự sành sỏi của người chủ quán. Cá lóc phải là cá cỡ lớn, tươi nguyên được đem hấp chín tới. Sau đó, người ta tách riêng thịt, lòng, xương, đầu cá ra từng tô. Phần xương, đầu cá được nấu lên để lấy nước ngọt. Lòng cá lóc được để riêng bán cho những khách muốn ăn bánh canh lòng cá lóc. Còn thịt cá được cắt cỡ vừa, ướp cùng hành, mắm ruốc… cho thêm vị đậm đà rồi xào cho thật săn.
Khi có khách, người bán chỉ việc luộc bột, gắp lên trên phần cá đã được xào săn, thêm hành hoa rồi chan nước dùng.
Thưởng thức ngay tô bánh canh nóng hổi từ tay người chủ quán, thực khách sẽ thấy vị ngọt thanh của nước, vị dai của thịt cá, vị mịn màng của bột… hòa cùng nhau. Vậy nên, ăn hết một tô rồi người ta lại cứ muốn xì xụp ăn thêm 1 tô nữa.
Bánh canh cá rô đồng
Bánh canh cá rô. (Ảnh: Sài Gòn ẩm thực)
Người Huế có câu “Gạo de An Cựu, cá rô bàu Choàng” chính là để khẳng định vị thơm ngon hiếm có của loại cá rô đồng nơi đây. Cũng từ cá rô đồng, người Huế chế biến rất nhiều món, trong đó không thể không kể tới bánh canh cá rô.
Cũng như cá lóc, cá rô đồng sau khi làm sạch được ướp với nước mắm, đường, tiêu, hạt nêm… cho thật ngấm. Tiếp đến, người ta phi thơm hành, cho cá vào đảo đều tay cho thật săn, rồi đổ nước ngập mặt cá và nấu chín. Cá chín được vớt ra, gỡ lấy phần thịt, phần xương giã nhuyễn và lọc lấy nước dùng.
Miếng thịt cá rô không to bằng cá lóc nhưng nồi bánh canh cá rô có trứng vàng trông vô cùng hấp dẫn.
Bánh canh cua
Bánh canh cua. (Ảnh: Thanhnien)
Bánh canh cua cũng là một trong những món ngon khó bỏ qua trong vô vàn món ngon xứ Huế.
Cua mua về được người ta làm sạch, luộc chín rồi đem tách riêng phần thịt. Công đoạn này cần nhiều sự tỉ mỉ, khéo léo để giữ được nguyên miếng thịt cua thơm ngon. Phần thịt vụn hơn sẽ được trộn cùng gạch cua và một số nguyên liệu để làm thành những viên chả cua thả vào nồi nước dùng.
Khi thực khách gọi món, chủ quán luộc bột chín tới, gắp lên trên những miếng thịt cua được tách sẵn, thêm vài viên chả cua, chút hành lá xắt nhỏ và chan nước dùng ngập tô bánh canh.
Bánh canh bò
Bánh canh nạm bò. (Ảnh: Thanhnien)
Nếu như đã ngán bánh canh được chế biến từ tôm, cua, cá, bạn có thể thưởng thức bánh canh bò. Nguyên liệu chính của món ăn này chính là thịt nạm bò được luộc chín, cắt lát mỏng nhìn rất hấp dẫn.
Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận độ giòn, dai của miếng thịt, kết hợp với sợi bánh mềm mịn. Ngoài bánh canh bò, bạn còn có thể thử thưởng thức bánh canh giò, gân hay bánh canh xương cũng rất hấp dẫn.
Bánh canh bà Đợi
Người Huế còn gọi món ăn này bằng cái tên rất dân dã, thân thương là bánh canh mụ Đợi. (Ảnh: Nguyen Tien Nhan/Vnexpress)
Món bánh canh này được đặt theo tên của người chủ làm nên thương hiệu đã có từ hơn 30 năm nay.
Cách chế biến và thưởng thức bánh canh bà Đợi cũng đặc biệt chẳng kém gì cái tên của nó. Phần nhân của bánh là tôm tươi đem luộc rồi bóc vỏ. Chả quết được viên thành từng viên nhỏ rồi đem luộc chín. Chỉ vậy thôi là cũng đã quá khác biệt so với các loại bánh canh thông thường.
Cách ăn bánh canh bà Đợi cũng chẳng giống với cách thông thường. Khi thực khách gọi món, người bán sẽ bưng ra một tô bánh canh với nước dùng trong vắt, tôm và chả quết được xếp trên cùng, trông thì không có gì hấp dẫn nhưng ăn kèm loạt gia vị như: dầu ớt, hành hoa, trứng cút, muối, tiêu, bột nêm… thì thơm ngon, đậm đà không dễ gì quên được.
Bánh canh Hàn Thuyên
Bánh canh thập cẩm ở phố Hàn Thuyên. (Ảnh: Sài Gòn ẩm thực)
Ở Huế, muốn ăn bánh canh hãy đến phố Hàn Thuyên. Bánh canh nơi đây có hương vị hoàn toàn khác biệt với giá bình dân. Nồi bánh canh đa dạng nguyên liệu và nhiều loại bột như gạo, lọc, mì, ăn kèm xương thịt, chả heo, chả cá, da lợn, trứng, tóp mỡ, phồng tôm. Tùy khẩu vị, bạn có thể lựa chọn nguyên liệu cho tô bánh canh của mình.
Bánh canh tôm hùm
Tô bánh canh với tôm hùm nguyên con nhìn khá hấp dẫn. (Ảnh: Báo Thừa thiên Huế)
Đây là loại bánh canh vẫn còn khá mới mẻ ở Huế, dù nghe tên có phần “sang chảnh” nhưng giá của một tô bánh canh tôm hùm cũng rất bình dân nên thu hút lượng lớn thực khách đến thưởng thức.
Cũng như những loại bánh canh khác, nước dùng là phần quan trọng nhất tạo nên vị ngon của tô bánh canh này. Bên cạnh đó, chủ quán cũng lưu ý chọn những con tôm hùm tươi ngon, sơ chế qua rồi để riêng để tránh lẫn mùi tanh vào nước dùng của bánh.
Bánh canh tôm hùm với hương vị mới mẻ, khác biệt không chỉ nhận được sự hưởng ứng của những tín đồ ẩm thực. mà còn góp phần vào sự đa dạng, phong phú của bánh canh xứ Huế.
Ngọc Nguyễn / Tin nhanh Online