Image default
Huế trong tôi Vẻ đẹp Huế

Tìm về một chút hương Huế xưa tại nhà vườn An Hiên dịp cuối năm

Booking.com

Vốn là một địa điểm nhỏ nhắn và đơn sơ, nhà vườn An Hiên chỉ mới được biết đến trong một năm gần đây, sau sự ra mắt của dự án quảng bá văn hóa Việt – Hàn “Nàng thơ xứ Huế”. Là một địa điểm “mới” chứa chất không khí “cũ”, nhà vườn An Hiên xứng đáng là một trong những nơi hút khách, đặc biệt là những ai muốn trải nghiệm một chút cổ kính của Cố đô.

Nhà vườn An Hiên tọa lạc tại số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, thành phố Huế. Khiêm tốn nằm bên cạnh dòng sông Hương thơ mộng, phải nói nơi đây có một vị trí địa lí hết sức hữu tình. Nhà vườn vừa mang nét đẹp cổ kính, uy nghiêm của kiến trúc cung đình nhưng đồng thời cũng toát lên sự chất phác, giản dị của kiến trúc dân gian đất Huế.

Cổng vào nhà vườn mang phong cách cổ kính.
Lối đi nhìn từ nhà vườn ra sông Hương.

Được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 19 với tổng diện tích hơn 4.600 m2, nhà vườn thuộc về công chúa thứ 18 của Hoàng Đế Dục Đức. Qua hai lần đổi chủ, năm 1936 ông Nguyễn Đình Chi đã mua lại ngôi nhà từ ông Tùng Lễ. Và kể từ năm 1940, sau khi ông Nguyễn Đình Chi qua đời, bà Đào Thị Xuân Yến là người tiếp quản ngôi nhà vườn cho đến hiện nay. Bà là người có công rất lớn trong việc giữ gìn và quảng bá hình ảnh nhà vườn.

Qua hơn một thế kỷ tồn tại, nhà vườn An Hiên vẫn giữ được những nét kiến trúc đặc trưng của nó. Tuy nhiên với thời tiết xứ Huế, nhà vườn vẫn không tránh khỏi số phận rêu phong bào mòn.

Bình phong mang lối kiến trúc rất Huế.

Bước vào cánh cổng giản dị được xây bằng gạch vôi vữa là một con đường đất kéo dài hơn 20 m, bao phủ hai bên bởi hai dãy cây bạch mai đan xen một cách tạo nên sự thanh tĩnh, dẫn đến một cái bình phong đậm chất kiến trúc Huế được trang trí bởi chữ “Thọ” được điêu khắc tỉ mỉ. Thông thường sẽ có bà chủ hoặc một người trông coi đón tiếp bạn tại địa điểm này.

Rẽ hai bên vượt qua bình phong là sẽ đến với khuôn viên chính của nhà vườn, gồm một căn nhà 3 gian và ở trước là một hồ lớn với hai loại hoa sen và súng bao phủ xanh mướt. Nếu đi đúng mùa sen nở thì còn gì bằng.

Toàn bộ căn nhà 3 gian đều được xây dựng bằng gỗ. Các cột chính cùng hệ thống vì kèo của căn nhà đều được điêu khắc, chạm trỗ tinh tế. Mái ngói được lợp nhiều lớp ngói, pha lẫn màu nâu của gạch nung và màu rêu qua năm tháng. Hai bên mái ngói trang trí bởi rồng chầu và hoa sen ở trên đỉnh ngói, đúng như phong cách kiến trúc truyền thống Á Đông.

Toàn cảnh chính diện ngôi nhà.
Hồ sen trước gian nhà có ý nghĩa phong thủy rất lớn.
Mái ngói phủ màu rêu phong.

Nội thất ở trong nhà đều là những đồ cổ, từ bộ ấm chén uống trà đến những bức hoành viết câu đối treo trong nhà, và được bài trí vô cùng ngăn nắp, đem lại không khí thâm nghiêm cho người ghé thăm. Chỉ nhìn ngắm vậy thôi thì phí quá! Nếu có nhã hững, hãy ngồi vào nhấp một chén nước chè và nghe chủ nhà giới thiệu về lịch sử cũng như những câu chuyện thú vị xoay quanh, đảm bảo bạn sẽ thấm đượm phần nào “vị Huế”.

Một góc bên trong căn nhà.
Bàn thờ Phật ở gian chính giữa.
Hàng cửa gỗ tạo vẻ thâm trầm.

Chức năng chủ yếu của ngôi nhà cổ này là dùng để thờ phụng và tiếp khách. Nơi đây từng tiếp hàng trăm đoàn khách văn hóa và nhiều đoàn khách VIP trong nước cũng như ngoại quốc khi họ đến thăm hoặc công tác tại Huế.

Ở gian chính giữa được thiết trí các bàn thờ theo nguyên tắc “tiền phật hậu linh”. Hai gian hai bên được bố trí để sinh hoạt, gồm có nhiều bộ bàn ghế cùng các bộ ấm chén uống chè đậm chất xứ Kim Long. Các người chủ quá cố của ngôi nhà đã cất công sưu tầm rất nhiều bức hoành phi mang nội dung văn học và triết lí sâu sắc.

Các bức hoành mang ý nghĩa sâu sắc.
Bàn trà để khách ngồi thưởng thức.
Đồ dùng trong nhà đều mang nét cổ kính.
Các cột chính đều được chạm khắc tỉ mỉ, tinh tế.

Nếu muốn tận dụng thời gian, bạn có thể ra ngoài dạo quanh vườn vì khuôn viên thực sự rộng hơn nhiều so với những gì trong ảnh thể hiện. Vườn có nhiều loại cây ăn quả như măng cụt, mít,… cùng hàng trăm loài hoa quý hiếm được các đời chủ sưu tầm tìm giống và chăm sóc.

Nhưng nhiều nhất phải kể đến cây bòn bon, hay còn được người Huế gọi là cây dâu ta. Một điều thú vị là bạn có thể ăn bòn bon bao nhiêu tùy thích nhé, thậm chí còn có thể hái một ít mang về cho bạn bè thưởng thức nữa đấy!

Một góc thú vị trong khuôn viên nhà vườn.

Sau nhiều thăng trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian, nhà vườn An Hiên vẫn còn đó, thầm sống một cách điềm tĩnh trước một thành phố Huế đang hiện đại hóa. Bước một chân vào cổng nhà vườn An Hiên chính là bước một chân về với Kinh Đô những năm của hai thế kỷ trước. Đến lần một rồi, bạn sẽ muốn đến lần hai. Vì ma lực nơi đây đã khiến bạn yêu Huế từ lúc nào không hay!

Lưu ý:

  • Với lệ phí duy trì kiến trúc là 20.000 VND / người, bạn có thể tham quan tự do trong khuôn viên nhà vườn mà không hề bị giới hạn thời gian. Phải nói là “bèo” hơn nhiều so với phí tham quan các công trình lịch sử ở Huế.
  • Một lưu ý bổ ích là nếu bạn đi xe máy hoặc ô tô riêng thì để xe hai bên cổng nhà vườn và khóa xe cẩn thận nhé, vì sẽ không có người trông coi xe giúp bạn.

Tác giả: Nguyễn Đức Lê Hoàng

*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal

tiếc gì 1 click để cho sao nếu thấy hay

Related posts

Cặp sinh đôi xứ Huế với ‘cú đúp’ đặc biệt trong kì thi học sinh giỏi quốc gia

Mr Hòa

Khám phá “tứ thú” thời xưa của người Việt

Mr Hòa

Mạnh thường quân ở Huế muốn giúp đỡ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên

Mr Hòa

Leave a Comment