Image default
Huế trong tôi Người Huế

Vẽ tình yêu quê hương

Booking.com

Vùng ngoại ô hẻo lánh, cách thành phố Huế chừng 7 km, là nơi có ngôi nhà nhỏ của một họa sĩ khá đặc biệt. Ngôi nhà nằm khiêm nhường bên bờ sông Hương thơ mộng, không xưởng vẽ, chỉ trưng một vài bức tranh giản dị. Hơn 60 năm vẽ sơn dầu, họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên chưa bao giờ dùng cọ, dùng bay… mà dùng chính mười ngón tay của mình để tạo nên những bức tranh luôn được người yêu hội họa, giới sưu tầm nghệ thuật đánh giá cao và săn tìm.

nguyen van tuyen hoa si hue
Họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên hoàn thiện một tác phẩm.

Người xem có cảm giác dễ chịu, nhẹ nhõm với những cảm giác rất Huế được họa sĩ Văn Tuyên thể hiện qua tranh của ông. Vẫn là dòng sông Hương lặng lẽ trôi, những con đò cô đơn nhẫn nhịn, những bông hoa sen, hoa súng thơm ngát màu của sự sống mãnh liệt, thế giới đượm màu khói sương trong tranh của người họa sĩ trầm lặng ấy. Mầu xám khói được họa sĩ Văn Tuyên sử dụng nhiều nhất trong những tác phẩm của mình. Khoảng không gian vô tận với những vệt sơn dầu như không có điểm dừng loang trên toan khiến người xem như lạc vào một không gian huyền ảo của những giấc mơ. Tranh của ông còn có cả sự nổi loạn rất trai trẻ trong cách dùng điểm nhấn bằng những gam mầu mạnh như đỏ tươi hay vàng rực rỡ. Cứ thế, họa sĩ Văn Tuyên mải miết kể về miền ký ức với cuộc sống của chính mình trên con đò thơ ấu, về thời tuổi trẻ mơ mộng khi ngắm nhìn một thiếu nữ Huế mảnh mai, hao gầy bước đi trong mưa chiều, những mái nhà bảng lảng khói lam chiều, những con đò đưa người qua sông như ở chốn bồng lai thơ mộng…

Chủ đạo là mầu xám, nhưng ngay cả khi dùng những gam xanh, đỏ, vàng, cam vẫn có thể nhận ra những tiết chế tự thân của họa sĩ với nét nhìn hồn hậu, bao dung khi ông kể về tình yêu xứ Huế, tình yêu với con sông, bến đò cho dù biết bao những sóng gió cuộc đời mà mình đã đi qua. Lặng lẽ, khiêm nhường mà tinh tế trên từng nét vẽ, tranh của họa sĩ Văn Tuyên có thể nhận ra ngay, dù chúng được treo giữa không gian bộn bề, đa sắc ở những phòng trưng bày tranh nơi thành thị.

Trong tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên, nỗi buồn khó gọi tên vẫn len lỏi đâu đó, phảng phất những câu chuyện cuộc đời qua sơn dầu và toan trắng. Ở Huế, mọi người thường gọi ông là họa sĩ vạn đò. Từng buông mầu, bỏ lại niềm mê đắm với hội họa, người đàn ông gầy guộc có đôi mắt thăm thẳm ấy đã xuống đò, làm ngư phủ, định gắn cuộc đời với sông nước. Bao biến cố xảy ra, ông làm đủ nghề để kiếm sống, từ thợ sơn xe đạp, buôn bán xăng dầu, công nhân công viên cây xanh… Đêm xuống, ông lại lênh đênh trên sông nước cho đến lúc trời mờ sáng thì chèo đò về bến. Tiếng chuông chùa, khi thì Thiên Mụ, lúc lại Huyền Không, chính những thanh âm sớm mai ấy đã giữ được cho họa sĩ Văn Tuyên một tâm hồn nghệ thuật nhẹ bay, thanh thản để ông trở lại với hội họa. Bởi vậy, phần lớn trong các tác phẩm của ông luôn có hình ảnh con đò, cô đơn nhưng bình an đến lạ.

Vẽ nhiều đề tài khác nhau, từ tranh tĩnh vật về văn hóa làng quê Việt Nam, đến những con đường, phố cổ… nhưng ấn tượng nhất vẫn là mảng họa sĩ vẽ sông Hương với vẻ đẹp dịu dàng. Người xem như bị mê hoặc khi họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên có thể vẽ ra đúng mầu của những buổi sáng mù sương, những vệt nắng trong veo ngày mới, mầu xanh lục của lá cây khi chiều xuống hay mầu khói lam chiều chuyển sang thẫm tím khi mặt trời khuất dạng. Phải ngắm nhìn kỹ lắm dòng Hương Giang suốt bốn mùa, phải yêu thiết tha mảnh đất, nơi nuôi dưỡng tâm hồn mình đến nhường nào, ông mới có thể sáng tác những phổ mầu thật và đời đến thế.

nguyen van tuyen hoa si hue1
Tác phẩm “Đò Huế” của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên.

“Mầu vàng trong tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên thật trong trẻo mà không non nớt, quý phái mà không xa cách, thân thiện nhưng không thể giữ nó thành của riêng mình, là mầu của ánh nắng ấm áp vô cùng. Đó không phải vàng chanh hay cam, vàng đất, vàng mơ, mầu cổ đồng hay nguyệt bạch, mà vô vàn sắc vàng huyền hoặc đã tuôn ra từ trái tim và trải nghiệm của người nghệ sĩ đã dát lên hình hài những em bé mà tác giả muốn tìm về thuở ấu thơ của mình, một tác phẩm đã gây ấn tượng trong tôi mãi đến bây giờ” – họa sĩ Đặng Mậu Tựu nói về tác phẩm Vùng tuổi thơ của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên.

Trong tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên, người xem luôn nhận thấy những nhớ thương đậm sâu về sông nước, con đò, về một tuổi thơ tinh nghịch hay một mối tình thuở thanh xuân. Một chút hồng, một chút đỏ, cân bằng lại giữa mầu xám khói làm cho người thưởng thức bức tranh thấy được niềm hy vọng, có cảm giác vui vẻ, hân hoan. Tranh của họa sĩ Văn Tuyên không hề có dấu vết của cọ, của bay. Các mảng mầu tan vào nhau, tạo ra một không gian mênh mông, bay bổng. Bởi ông tạo ra chúng bằng những ngón tay.

Lý do khiến họa sĩ Văn Tuyên vẽ sơn dầu bằng ngón tay cũng thật giản dị. “Cảm xúc cho những bức tranh sẽ rất khác biệt. Tôi bắt đầu vẽ từ lúc mười tuổi, sau đó đi học ở Trường quốc gia cao đẳng mỹ thuật Huế. Lúc đầu tôi cũng dùng cọ, dùng bay. Nhưng về sau thấy nếu làm thế, sự tưởng tượng và suy nghĩ của mình chạy trên toan không kịp, cho nên tôi dùng ngón tay cho nhanh, cho kịp với những cảm xúc chạy trong đầu mình” đến mức giờ đây các ngón tay đều bị mòn hết vân tay, họa sĩ Văn Tuyên kể.

Với họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên, cứ nhìn thấy điều gì có xúc cảm là vẽ ngay. Ông trộn ký ức và thực tại trong từng nét vẽ. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao tranh đẹp thế mà tên của ông lại không phải người yêu hội họa nào cũng biết đến? Thật ra, tranh của họa sĩ Văn Tuyên được nhiều khách nước ngoài yêu Huế, yêu thiên nhiên sưu tầm từ đầu những năm 90 thế kỷ trước. Về sau này vì lý do sức khỏe, ông vẽ ít dần. Đôi khi phải mất cả tháng ông mới có thể hoàn thiện một bức tranh chứ không như trước đây. Có lúc chạm đúng cảm xúc, chỉ chưa đầy một tuần, ông đã có một tác phẩm đẹp và không lẫn.

“Hội họa mang lại niềm vui, niềm an ủi đối với tôi. Khi vẽ xong một bức tranh, tôi cảm thấy mình như sống thêm được một năm. Dù hội họa nuôi sống tôi và gia đình, nhưng mỗi khi bán tranh, tôi như thấy mình đã bán đi một phần tâm hồn. Phải thẫn thờ mất một thời gian, rồi tự an ủi mình, đó là để chia sẻ niềm vui nho nhỏ của riêng mình với những tâm hồn đồng cảm”. Họa sĩ Văn Tuyên bộc bạch.

Hơn mười năm qua, tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên được giới thiệu, trưng bày tại quán cà-phê nhỏ của nhà thơ Bạch Diệp giữa thành phố Huế. Vì yêu và mê tranh của họa sĩ Văn Tuyên, nữ thi sĩ Bạch Diệp không ngần ngại chỉ trưng bày những bức tranh của ông. Nhà thơ Bạch Diệp chia sẻ: “Giữa cuộc sống vội vã bộn bề, tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên là một món quà đẹp đẽ, thuần khiết, giúp chúng ta xua tan mỏi mệt, căng thẳng”. Có lẽ, đó cũng là những khát khao giản dị của người họa sĩ ấy, khi ông vẫn ngày ngày vẽ sơn dầu lên toan trắng, và để tình yêu xứ sở, quê hương qua trí tưởng tượng của mình được bay bổng trên từng ngón tay, tạo ra những mảng mầu pha trộn giữa thực và ảo, tinh khôi và an lành.

Theo : bài và ảnh: NGỌC ĐINH / Nhân dân

tiếc gì 1 click để cho sao nếu thấy hay

Related posts

Ai tìm ra lăng mộ vua Quang Trung?

Mr Hòa

Có một xứ Huế trong thơ và nhạc

Mr Hòa

Nhớ ổ mì xưa

Mr Hòa

Leave a Comment