Image default
Bạn có biết ? Huế trong tôi

Vì sao sông An Cựu “nắng đục mưa trong”?

Booking.com

Sông An Cựu nắng đục mưa trong – Chắc hẳn những ai đã sống ở Huế đều không thể không biết đến hai câu ca dao :

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo

Sông An Cựu nắng đục mưa trong

Thế nhưng đã có mấy ai đã từng đặt câu hỏi Vì sao sông An cựu lại “nắng đục mưa trong” ? Con sông gắn liền với những địa danh quen thuộc : Bến Ngự, Phủ Cam, An cựu… đã từng đi vào thi ca, âm nhạc và nó cũng mang trong mình một truyền thuyết vô cùng thú vị.

Sông An Cựu là chi lưu của sông Hương, chảy qua phía Nam Thành phố Huế, sông còn có tên là Lợi Nông. Đây là một con sông đào, được đào vào năm Gia Long 13. Vua Gia Long cho đào khơi thông sông Hương với sông Đại Giang nhập vào phá Hà Trung, góp phần thau chua rửa mặn cho cánh đồng Hương Thuỷ, vì vậy mới có tên là Lợi nông. Ngoài ra, sông An Cựu còn có tên khác là sông Phủ Cam hay sông Thanh Thuỷ. Năm 1836, sông Lợi Nông đã được khắc vào Chương đỉnh trong Cửu đỉnh đặt trong Hoàng Thành.

Ở đoạn đầu của sông có Bến Ngự để thuyền rồng của nhà vua cập bến mỗi khi đi tế trời ở Đàn Nam Giao. Phía hạ lưu có các hành cung Thần Phù, Thuận Trực để vua tạm nghỉ trong những lần về chơi ở phá Hà Trung hoặc về rừng Đông Lâm săn bắn.
Theo truyền thuyết thì đầu thế kỷ 19, khi sơn hà xã tắc đã thống nhất, cùng với việc kiến thiết xây dựng kinh đô, củng cố triều chính, phát triển kinh tế, vua Gia Long đã sắc cho Bộ Công đào sông An Cựu theo ước nguyện của dân trong vùng. Lúc đó dòng sông được khơi thông từ vũng eo dưới mũi cồn Giã Viên. Nhưng do khơi dòng đúng vào nơi hang động của một con thuồng luồng khổng lồ nhiều năm ẩn dật dưới lòng sông Hương làm cho hang động của nó bị lộ ra, do vậy mà mỗi khi trời nắng, thời tiết nóng không chịu được nó trở nên dữ tợn, vẫy vùng, khuấy đảo phù sa, làm đục ngầu cả dòng nước nguồn, chính vì vậy mà sông An Cựu trở nên đục vào những ngày nắng. Còn những ngày mùa thu, tiết trời mát mẻ, thuồng luồng nằm im trong hang động, dòng sông không bị khuấy đảo, nước sông An Cựu trở nên trong vắt như mặt nước Hương Giang.

Sông An Cựu với bờ kè hai bờ sông

Trên thực tế, thì dòng sông này là dòng sông đào nhận nước từ sông Hương trong xanh chảy về Phá Hà trung và ra biển nên ngay cả những ngày mưa nước vẫn ít khi đục vì không có nước nguồn trên núi chảy về. Trái lại, mùa nắng hạn, nước sông cạn, có khi cạn gần đến đáy sông và lại có màu vàng đục của lớp phù sa dưới đáy. Ngoài ra còn có một cách giải thích khác nữa, tôi không  biết có chính xác không những đến bây giờ cái kiến thức này vẫn tôi vẫn không bao giờ quên. Đó là vào năm tôi học học lớp 9, thầy Việt Anh ( trường Nguyễn Tri Phương – Huế) dạy chúng tôi môn hoá học đã đưa ra một cách giải thích khác hẳn và rất chi là hoá học : sở dĩ sông An Cựu nắng đục mưa trong là do dưới lòng sông chứa một hàm lượng lớn nguyên tố sắt, vào mùa nắng sông cạn nước, nhiệt độ lên cao do đó xảy ra phản ứng khử tạo ra oxit sắt kết tủa có màu nâu đỏ, chính hàm lượng oxit sắt này lơ lửng trong dòng nước đã làm cho nước sông có màu đục ngầu.

Đến khi trời lạnh lớp oxit sắt này lắng xuống nên dòng sông lại trong xanh. Một lời giải thích thú vị mà cho đến bây giờ tôi vẫn không quên cả câu ca dao lẫn bài học của Thầy. Cách lý giải này mặc dù chưa được kiểm chứng nhưng có một chi tiết liên quan đến nó, đó là một trong những cây cầu bắc qua dòng sông này có tên là cầu Kho rèn (nối liền đường Trần Phú và đường Lý Thường Kiệt). Phải chăng theo cách gọi tên cây cầu như vậy thì nơi đây xưa kia đã có một Kho rèn hoặc một lò rèn lớn hoạt động, như vậy liệu có phải vùng đất ở đây có sắt hoặc giả sắt từ lò rèn này mà trôi xuống lòng sông?
Cho đến bây giờ thì dòng sông An Cựu, không chỉ nắng đục  mà mưa  nước vẫn đục.  Đất đai từ các cống rãnh hàng năm vẫn đổ xuống dòng sông. Người ta vẫn lén lút đổ rác, đổ xà bần xây dựng xuống dòng sông làm cho dòng sông đào vốn đã không sâu bây giờ ngày lại càng cạn dần. Có những đoạn sông vào mùa nắng hạn mặt nước chỉ còn xâm xấp đáy sông.

Lực lượng thanh niên và dân phòng vớt bèo trên sông An cựu

Chính quyền thành phố cũng đã tốn không biết bao nhiêu tiền để nạo vét dòng sông, dọn rác, xây kè chống xói lở và vành đai hai bên bờ,  tạo cảnh quang cho dòng sông, vậy mà chính những bờ kè và lề sông ấy lại trở thành những quán ăn, quán bia, quán giải khát di động và có ai chắc rằng rác từ đó lại không được xả xuống dòng sông?  Nếu mỗi một người dân không tự ý thức trong việc bảo vệ môi trường, cứ đà ấy, viễn cảnh của một dòng sông đen chẳng mấy chốc sẽ trở thành… cận cảnh! Và, hàng chục tỷ của Nhà nước đã và đang đổ ra để chỉnh trang đôi bờ sông An Cựu sẽ không còn mấy ý nghĩa. “Sông An Cựu, nắng đục, mưa trong” câu ca dao xưa đã đi vào tâm thức của người dân xứ Huế chẳng lẽ bây giờ chỉ là huyền thoại ?

Cung An Định – một công trình di tích lịch sử nằm ngay sát bờ sông An Cựu

Nguồn: dulichhue.com.vn

tiếc gì 1 click để cho sao nếu thấy hay

Related posts

Đón Tết trong Kinh thành Huế

Mr Hòa

Thêm điểm check-in mới

Mr Hòa

Về miền cỏ xanh trầm tích

Mr Hòa

Leave a Comment